Sự kiện thứ nhất là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Tổng Bí thư mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp... nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó - chăm lo sự nghiệp trồng người.
Sự kiện thứ 2 là: Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Kết luận nêu rõ phương hướng chủ yếu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với các nhiệm vụ cơ bản là: quán triệt và thể hiện bằng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, phải đi trước và được đầu tư trước; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh, thành và Bộ, ngành; một số nhiệm vụ cụ thể khác về giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục đại học.
Sự kiện thứ 3 là: Luật Giáo dục đại học được thông qua. Ngày 02/7/2012, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 06/2012/L-CTN công bố Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013. Luật Giáo dục đại học được ban hành là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục đại học, đổi mới quản lý giáo dục đại học, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.
Sự kiện thứ 4 là: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020". Ngày 13/6/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 711/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020". Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 được ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; củng cố, hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện các chính sách ưu đãi về vật chất và tinh thần động lực cho các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.
Sự kiện thứ 5 là: Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một số văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý trong giáo dục, góp phần giải quyết những bức xúc xã hội. Ngày 26 tháng 9 năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định này thay thế các quy định về giáo dục và đào tạo tại Nghị định số 18/2001/NĐ-CP ngày 04/05/2001 của Chính phủ quy định về lập và hoạt động của cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06/3/2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Ngày 16 tháng 5 năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm; Các trường hợp không được dạy thêm; Tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; Thu và quản lý tiền học thêm; Yêu cầu đối với người dạy thêm; Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm... Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục, của các cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan, của chính quyền các cấp. Từ Thông tư này, nhiều UBND tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm cho địa phương và thực hiện, bước đầu đã có hiệu quả.
Sự kiện thứ 6 là: Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra tiếp tục đổi mới theo hướng phân cấp, tăng hiệu quả, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai hoá trước công luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 50/2010/NQ-QH đối với 86 trường Đại học, Cao đẳng; thanh tra 14 đơn vị liên kết đào tạo với nước ngoài, có 05 cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài đã bị thu hồi giấy phép hoạt động; thanh tra một số hoạt động của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và một số cơ sở giáo dục. Qua đó kiến nghị, xử lý nghiêm các vi phạm, được dư luận đồng tình, kỷ cương trong quản lý giáo dục được nâng cao. Vụ việc tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang) được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Sự kiện thứ 7 là: Lần đầu tiên 100% học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế đoạt huy chương. Lần đầu tiên trong lịch sử dự thi Olympic khu vực và quốc tế các môn văn hóa dành cho học sinh THPT, 31/31 lượt học sinh của 6 đội tuyển quốc gia đều đoạt huy chương; trong đó có 5 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 11 Huy chương Đồng. Đội tuyển quốc gia môn Toán học, với 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương bạc và 2 Huy chương Đồng đã trở lại tốp 10 đội tuyển quốc gia có thành tích cao nhất Olympic Toán học quốc tế. Lần đầu tiên, 3 học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đoạt giải nhất Hội thi nghiên cứu Khoa học – Kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF).
Sự kiện thứ 8 là: Tôn vinh nhà giáo. Trong đợt phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú năm 2012 có 40 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 570 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo Ưu tú.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gặp mặt biểu dương, khen thưởng 128 nữ nhà giáo có thành tích xuất sắc, đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn vào ngày 09/11/2012
Sự kiện thứ 9 là: Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần VIII – 2012 và đoàn Thể thao Sinh viên Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á lần thứ 16 tại Viên Chăn – Lào đạt thành tích xếp thứ 2 toàn đoàn trên 11 nước. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần VIII - 2012 do TP Cần Thơ đăng cai tổ chức từ ngày 24/7 đến 12/8. Vòng chung kết với trên 6.500 VĐV, 1.000 cán bộ, HLV, 1.000 trọng tài, Hội khỏe lần này có số người tham dự đông nhất từ trước đến nay.
Đoàn Việt Nam tham dự 12 môn thi/ 17 môn thi tại Đại hội Thể thao Sinh viên Đông Nam Á lần thứ 16. Đoàn đoạt 119 huy chương trong đó có 56 Huy chương Vàng, 35 huy chương Bạc và 28 huy chương Đồng. Trong đó, 2 huy chương Vàng tập thể rất có ý nghĩa đó là môn Bóng đá nữ và Bóng chuyền nữ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 16 lần Đại hội, đoàn Việt Nam được xếp thứ nhì, sau Malayxia, trên Thái Lan.
Sự kiện thứ 10 là: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Cựu Giáo chức Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Giáo dục thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và khánh thành Bia lưu niệm Tiểu ban giáo dục miền Nam. Nhiều cán bộ, nhà giáo lão thành tham gia công tác giáo dục thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam đã tham dự buổi Lễ trọng thể này tại Tây Ninh. Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khánh thành Bia lưu niệm căn cứ Tiểu ban Giáo dục miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975 tại vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, tỉnh Tây Ninh./.
TG