Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 10/12/2009 8:54'(GMT+7)

Bao giờ cho hết cảnh tạm bợ nơi bệnh viện?

Một tấm các-tông cũng thành giường ngủ 

Khoảng hơn 4 giờ chiều, ngày 9/12, tại phía cuối hành lang khoa Ngoại vú, bệnh viện K Trung ương, tôi gặp và bắt chuyện với một phụ nữ đang loay hoay trải những miếng bìa các tông làm chỗ nằm. Trông chị đã thấy rõ sự mệt mỏi. Dáng vẻ gày gò, nước da xám xịt, mái tóc dài chỉ còn lơ thơ vài sợi nên chị luôn chùm lên đầu một chiếc mũ, đôi mắt nhìn vô định, chị tâm sự: “cả ngày đi lang thang, lúc ở góc vườn hoa, ghế đá, lúc vạ vật ở gốc cây nhưng đến giờ này là phải tìm về hành lang bệnh viện để còn lo giữ chỗ”.

Nhà chị ở Nam Định, chị phát hiện mình bị ung thư vú và đã phải mổ từ tháng 3/2009. Đến nay chị đã trải qua nhiều lần truyền hóa chất và vẫn đang chờ tia xạ. Nhưng do chi phí mổ và điều trị tốn kém, với gia đình thuần nông như chị thì khó lòng trang trải, đi vay mượn mãi người ta cũng sợ không thể cho vay. Việc thuê một phòng trọ với chị là điều xa xỉ. Không có tiền thuê phòng trọ, chị đành lấy hành lang làm giường. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác chị một mình sống lang thang vất vưởng và đấu tranh với căn bệnh ung thư quái ác, chỉ với một niềm hi vọng là kéo dài thêm sự sống.

Thế mà chị bảo mình vẫn còn may mắn chán. Chứ nhiều người không nhanh chân thì chỉ còn xuống các gốc cây mà tá túc qua đêm. Ở khu vực hành lang bệnh viện mỗi tối đều đông kín cả người, trong đó có cả bệnh nhân và người nhà của họ, đa phần là những người không có tiền. Với nhiều người hành trang đi viện chỉ là vài bộ quần áo cũ, một manh chiếu hoặc một tấm ni lon trải ra được là thành chỗ ngủ.
 
Chị tâm sự thêm, mấy hôm trước vì có đoàn kiểm tra của Bộ Y tế nên những người như chị bị đuổi phải “chạy như chạy vịt”. Sau một hồi trò chuyện và hỏi tên thì chị nhất định xin cho giấu tên. Chắc vì e ngại sẽ bị làm khó dễ.

Tại bệnh viện K, có hàng trăm bệnh nhân như chị  Hương. Mỗi người một cảnh đời nhưng họ có chung nhau nỗi đau bệnh tật, cùng bám trụ nơi hành lang bệnh viện này để giành giật sự sống. Ngay phía dưới chân cầu thang tối om lối đi lên khu điều trị, cũng có một vài bệnh nhân trải tấm nilon ngủ ngon lành.

Chạnh lòng, day dứt nhưng lực bất tòng tâm

Đến một số bệnh viện, không hiếm cảnh bệnh nhân và người nhà của họ nằm vạ vật ở gốc cây, ghế đá, nhà xe... Tại Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Trung ương, Viện huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện Việt Đức... mỗi ngày các bệnh viện có khi phải tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân. Dù đã phải nằm ghép 2, ghép 3 người/giường những vẫn không đủ chỗ cho bệnh nhân nên có những bệnh nhân khá nặng nhưng mọi sinh hoạt ngủ nghỉ, điều trị đều diễn ra ngoài hành lang, không được cách li.

Với bệnh nhân đã vậy, với người nhà bệnh nhân cũng khổ không kém. Anh Quang Lục (ở TP. Hà Tĩnh) đang có bố nằm ở bệnh viện Bạch Mai cho biết, vì bố ốm nặng đã điều trị ở bệnh viện tỉnh nhưng không được đành phải chuyển lên tuyến trên. Hai anh em anh phải thay phiên nhau để chăm sóc bố, không dám thuê chỗ trọ phần vì tốn kém, phần vì sợ đi lại xa không xoay xở kịp nên họ đành lấy vườn hoa, gốc cây trong khuôn viên bệnh viện àm chỗ tá túc.

Việc bệnh nhân nằm ngoài hành lang là rất nguy hiểm vì không chỉ có bệnh nhân mà còn có người nhà của họ và nếu không cẩn thận, chỉ cần một nốt muỗi đốt là họ có thể bị truyền bệnh. Những giấc ngủ chập chờn của người bệnh nơi hành lang bệnh viện còn có thể bị đe dọa bởi những mối nguy hiểm khác như nạn trộm cắp, thậm chí có những nơi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân còn cãi nhau, đánh nhau chỉ để tranh nhau một chỗ nằm trên hành lang bệnh viện.

Ths. Nguyễn Diệu Linh, Khoa ngoại vú, bệnh viện K Trung ương chia sẻ, bệnh nhân thì ngày càng đông nhưng diện tích bệnh viện thì không thể rộng thêm ra, số giường bệnh cũng chỉ có hạn nên bệnh nhân thường tận dụng hành lang để ngủ nghỉ. Đêm nào cũng vậy, chỉ cần một manh chiếu, tấm bìa catton hoặc tấm nilon là hành lang bệnh viện trở thành giường ngủ cho bệnh nhân nằm la liệt. Dù như thế là không đúng quy định của bệnh viện nhưng nhìn họ thì chẳng ai lỡ đuổi đi, mà có đuổi họ cũng chẳng biết đi đâu bởi phần lớn họ là những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh rất đáng thương, ăn cũng chẳng đủ no, chẳng biết bấu víu vào đâu nên đành biến hành lang bệnh viện thành chốn nương thân.

Chứng kiến những cảnh này, ngay cả những bác sĩ, y tá cũng không khỏi chạnh lòng, day dứt. Một bác sĩ tâm sự: "Dù có thương bệnh nhân nhưng bệnh viện cũng đành lực bất tòng tâm bởi chỉ khi nào bệnh viện được mở rộng, được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ hơn thì những bệnh nhân nghèo mới bớt khổ, mới có những giấc ngủ ngon".

Thuỳ Minh - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất