Sau hơn một năm triển khai thực hiện, số hộ dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp là rất ít (chỉ chiếm 3% so với tổng số hộ nông dân của nước ta). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do văn bản chưa thực sự hoàn thiện, phức tạp, nhiều quy định không phù hợp.
Theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), cả nước hiện có 20 tỉnh, thành phố, cùng hơn 98.400 hộ dân (trong đó 88% là hộ nghèo) tham gia bảo hiểm cây trồng, vật nuôi với tổng trị giá là 959,4 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 48,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện, số hộ tham gia BHNN là rất ít (chỉ chiếm 3% so với tổng số hộ nông dân của nước ta). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do văn bản chưa thực sự hoàn thiện, phức tạp, nhiều quy định không phù hợp.
Chỉ nhìn vào những con số trên, chúng ta đã thấy đối tượng tham gia BHNN chủ yếu là các hộ dân nghèo, được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí. Còn các hộ dân có mức sống khá trở lên không “mặn mà” với BHNN. Chính vì thế, số tiền tham gia BHNN rất ít so với nhu cầu cần được bảo hiểm và đền bù thiệt hại nếu có rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất của bà con nông dân hiện nay. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là không ít những quy định trong BHNN còn phức tạp, nhiêu khê, chưa cụ thể, khó thực hiện, sản phẩm bảo hiểm chưa hấp dẫn. Không những vậy, các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Với người nông dân, các loại cây trồng, vật nuôi của họ được bảo hiểm là một ý nguyện từ nhiều năm nay, nhất là đối với cây lúa, các loại vật nuôi như lợn, gà, vịt và tôm, cá. Thế nhưng, trong quy định của BHNN lại chưa đề cập hết những rủi ro trong quá trình sản xuất của người nông dân, các thủ tục cũng rất phiền toái. Ví dụ như việc bảo hiểm nuôi tôm, BHNN quy định: “Tôm sú bị mắc bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, hội chứng hoại tử gan tụy cấp… chỉ được bảo hiểm khi có xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền”. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố nói rằng, địa phương chưa có khả năng xét nghiệm được những bệnh này để công bố dịch bệnh, làm cơ sở cho việc bồi thường. Điều này cũng có nghĩa là phải nhờ đến các cơ quan của Trung ương và người dân sẽ phải chờ đợi rất lâu. Không những thế, người dân cho rằng nhiều loại bệnh khác ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi lại chưa được đề cập trong quy định bảo hiểm. Chẳng hạn như cây lúa chỉ được bảo hiểm vì các bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, rầy nâu..., còn các bệnh như bạc lá, sâu cuốn lá, chuột phá hoại... lại không được đề cập bảo hiểm.
Chưa hết, để mua được BHNN, nông dân phải thực hiện đúng các quy định ràng buộc về hình thức, quy mô sản xuất với chi phí lớn; mức phí đóng bảo hiểm cao; các thủ tục đăng ký bồi thường phức tạp… khi họ đa số là các hộ nghèo, cận nghèo.
BHNN là một lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhằm giúp cho nông dân có cuộc sống tốt hơn, yên tâm lao động sản xuất trên chính quê hương của mình. Để BHNN phát huy tác dụng, trước hết cần phải tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia trên cơ sở thấy rõ được quyền lợi của mình. Tiếp đó phải giải thích cho người dân hiểu những quy định, nguyên tắc về bảo hiểm, để họ có tiếng nói chung và đồng hành với doanh nghiệp bảo hiểm. Vấn đề quan trọng hơn cả là phải điều chỉnh các quy định về mức đóng bảo hiểm, cơ sở xác định thiệt hại và thủ tục đền bù thiệt hại, phạm vi bảo hiểm… cho phù hợp. Có như vậy người nông dân mới thiết tha với BHNN, coi đó là một trong những chỗ dựa vững chắc cho quá trình sản xuất./.
(Lê Phi Hùng/QĐND)