Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 12/2/2012 15:51'(GMT+7)

Bảo hiểm nông nghiệp góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Ðến thời điểm hiện nay, qua nhiều đợt tuyên truyền và tập huấn cho nông dân, công tác thí điểm BHNN đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Vào thời điểm cuối năm bận nhiều công việc, nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vẫn cử nhiều đoàn công tác tỏa về các địa phương kiểm tra thực hiện thí điểm BHNN, đôn đốc triển khai công việc.

Không chỉ lãnh đạo bộ, ngành trung ương, địa phương mới sốt ruột với nhiệm vụ triển khai BHNN mà người nông dân, đối tượng thực hiện bảo hiểm, cũng sốt ruột và lo lắng không kém. Nhiều nông dân ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (An Giang) đang quan tâm nhiều đến câu chuyện BHNN. Trong suốt nhiều tháng qua, nông dân ở đây đã được tham dự nhiều cuộc tập huấn, tuyên truyền của doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng, có những nội dung chi tiết mà họ vẫn chưa hiểu hết, vì vậy chưa dám ký các hợp đồng bảo hiểm (HÐBH).

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân xã Vĩnh Khánh Lê Tấn Ðạt cho biết, về chi phí đóng BH, về mức thiệt hại được bồi thường thì nông dân đã hiểu, nhưng chi tiết về bảo hiểm cây lúa thì nông dân chưa hiểu sâu. Do đó, DNBH và chính quyền cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nông dân nắm chắc, từ đó sẽ tham gia nhiều hơn. Ông cũng cho hay, chủ trương thực hiện BHNN của Nhà nước được người nông dân Thoại Sơn đồng tình ủng hộ, có điều là khi bắt tay vào việc họ chưa biết phải bắt đầu như thế nào, và quá trình này sẽ được thực hiện ra sao. Việc người dân cần là phải được tìm hiểu rõ hơn, và khi đã thông suốt thì họ mới thực hiện, ông Ðạt khẳng định.

Tại những buổi kiểm tra, rà soát công tác triển khai thí điểm của Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT ở các tỉnh miền trung và đồng bằng sông Cửu Long đầu tháng 1-2012, các địa phương đã thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc cũng như những lúng túng khi triển khai thí điểm BHNN ở địa phương mình. Ðáng chú ý là việc giới hạn trong phạm vi bảo hiểm về sâu bệnh trên cây lúa cũng như quy định về diện tích vùng nuôi cá tra... của các văn bản, thông tư hướng dẫn không sát thực tế và địa phương khó đáp ứng được những quy định này.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Ðồng Tháp Dương Nghĩa Quốc, ở tỉnh Ðồng Tháp hiện nay, một số bệnh dịch trên cây lúa hay mắc phải (như bệnh đạo ôn) thì Thông tư không quy định, nhưng lại quy định loại bệnh dịch thường không xảy ra (như bệnh lùn sọc đen). Do đó, hiện Ðồng Tháp đang lúng túng chưa biết triển khai đến nông dân như thế nào. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh Lê Tuyết Hồng nhấn mạnh, do đặc thù của sản xuất nông nghiệp luôn có tính vùng miền, công tác BHNN là một hoạt động mới, nên có độ "vênh" giữa các văn bản hướng dẫn từ trung ương với thực tế ở địa phương. Thí dụ như đối với những dịch bệnh được bảo hiểm ở con cá tra của Trà Vinh, người nông dân mong muốn được mở rộng bảo hiểm thêm một số bệnh cá hay mắc mà Thông tư 47 chưa quy định.

Không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà chính quyền và nông dân của các tỉnh miền trung cũng đang gặp nhiều vướng mắc khi triển khai thí điểm, như việc xác định đối tượng được tham gia thí điểm BHNN, việc xác định tiêu chí vùng nuôi, vùng trồng lúa... Cùng đi với các đoàn công tác liên ngành, chúng tôi nhận thấy không chỉ chính quyền địa phương mà người nông dân được lựa chọn thực hiện thí điểm BHNN về cơ bản đã hiểu được ý nghĩa thiết thực của loại hình bảo hiểm mới mẻ này. Tuy nhiên, quyết tâm thì có, nhưng thực tế triển khai thực hiện lại đang gặp rất nhiều khó khăn, từ nhận thức đến các phương thức, công cụ thực hiện. Trong khi việc triển khai sản xuất vụ đông - xuân đã bắt đầu khá lâu nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Chính vì vậy, trong các buổi làm việc, tùy theo thẩm quyền và nội dung yêu cầu, đại diện Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đã giải quyết tại chỗ nhiều nội dung công việc, còn những vấn đề khó, cần bàn bạc và xem xét sâu hơn thì sẽ báo cáo lên Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, Chính phủ cùng nghiên cứu, giải quyết kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho quá trình triển khai loại hình bảo hiểm mang nặng tính nhân đạo cộng đồng này.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phùng Ngọc Khánh và Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Ngô Quý Hiên cho biết, từ kết quả của đợt công tác này, thời gian tới phía Ban chỉ đạo Trung ương về thí điểm BHNN sẽ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành để phù hợp tình hình thực tế ở địa phương. Song song với quá trình đó, phía các địa phương, nhất là chính quyền cấp xã, phường) phải quyết liệt triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khơi thông những bế tắc đang gặp phải.

Chương trình thí điểm BHNN bước đầu đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 315 của Thủ tướng Chính phủ. Từ thực tế thực hiện chương trình, điều nhận thấy rõ nhất là: Tuy là một chương trình thí điểm mới triển khai trong một thời gian ngắn nhưng BHNN đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bà con nông dân và các cấp ủy, chính quyền tại nhiều địa phương trên cả nước bởi tính thiết thực và bảo đảm an sinh xã hội của nó. Theo đánh giá ban đầu của Ban chỉ đạo triển khai thí điểm cho thấy, ở hầu hết các địa phương được lựa chọn, bà con nông dân rất phấn khởi khi tiếp nhận thông tin này, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp cũng đã tích cực vào cuộc chuẩn bị điều kiện để triển khai. Với quan điểm vừa làm, vừa nghiên cứu và chỉnh sửa cho phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương, Ban chỉ đạo sẽ tiếp thu các ý kiến phản ánh từ cơ sở, bổ sung vào các quy định, hoàn chỉnh các văn bản pháp lý phù hợp thực tiễn để đẩy mạnh việc phấn đấu triển khai ra diện rộng khi kết thúc thí điểm thành công.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất