Thứ Bảy, 21/12/2024
Hướng tới Diễn đàn APEC 2017
Thứ Sáu, 17/11/2017 15:3'(GMT+7)

Báo Hong Kong: APEC là cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp Việt

Phiên toàn thể Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), chiều 10/11. (Ảnh: TTXVN)

Phiên toàn thể Đối thoại giữa các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), chiều 10/11. (Ảnh: TTXVN)

Sự kiện đồng thời mở ra cơ hội giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh quan hệ của Việt Nam với các đối tác song phương và cũng là cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt, đem lại những lợi ích gắn liền tích cực và thiết thực. 

Tác giả bài báo nhận định Việt Nam lần thứ hai tổ chức Năm APEC vào thời điểm tình hình chính trị thế giới và khu vực nổi lên nhiều diễn biến phức tạp về kinh tế và chính trị. 

Dư luận quốc tế nhìn nhận Năm APEC Việt Nam 2017 vừa là thử thách, vừa là cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng và liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong một thế giới đầy biến động. 

Chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC 2017 được bạn bè, đối tác của Việt Nam đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng. Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đã đề ra 4 ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Tác giả bài báo nhận định việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam.

Thứ nhất, tầm nhìn về một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động, tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực cũng như toàn cầu. Diễn đàn APEC, Cộng đồng ASEAN, các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương… cùng phát triển và bổ trợ lẫn nhau, hình thành một cấu trúc khu vực bền vững, toàn diện. Tất cả các nước khu vực, dù là thành viên APEC hay không, đều chia sẻ lợi ích chung trong việc xây dựng quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21. 

Thứ hai, các hoạt động của APEC năm nay cần phải tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng và nâng liên kết khu vực lên một tầm cao mới. APEC cần có thêm xung lực cho tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, phát triển bao trùm về kinh tế-tài chính-xã hội, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới. 

Đồng thời, một nhu cầu cấp bách nữa là đẩy nhanh nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bogor, duy trì đà liên kết khu vực trong các khuôn khổ như Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP..., hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Thứ ba, năm 2017 còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn khởi xướng ý tưởng, định hướng và điều phối liên kết kinh tế, qua đó thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch, có khả năng thích ứng cao, bảo đảm tính bổ trợ, hài hòa của các cơ chế đa tầng nấc. 

Đại diện 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu, APEC cũng cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, xử lý các thách thức chung như tác động trái chiều của toàn cầu hóa và công nghệ số, bất bình đẳng gia tăng...

Thứ tư, sau 28 năm hình thành và phát triển, đây còn là thời điểm quan trọng để định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020. Tầm nhìn đó cần xác định rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn trong 10-15 năm tới. Việc phát huy tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện và không ràng buộc là cần thiết để bảo đảm sự năng động, tính hấp dẫn của Diễn đàn trong một khu vực rất đa dạng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển. Cùng với đó, vai trò dẫn dắt của APEC trong tiến trình định hình cấu trúc cũng như quản trị khu vực và toàn cầu cần được định rõ. 

Với ý nghĩa trên, bài báo khẳng định Năm APEC Việt Nam 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC mà cả cấu trúc kinh tế khu vực. 

Tác giả nhận định đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của Việt Nam. 

Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức ODA và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC. 

Trong số 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, Việt Nam đã ký 13 hiệp định thương mại tự do với 18 nền kinh tế thành viên APEC. Hiện nay, 7 nền kinh tế thành viên APEC là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia và Singapore đứng trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc đóng góp vào thành công chung của hợp tác đa phương APEC 2017, Việt Nam có cơ hội đưa mối quan hệ song phương với các nền kinh tế thành viên APEC lên một tầm cao mới với chiều sâu và hiệu quả hơn nữa. 

Với quy mô và tầm quan trọng của mình, APEC khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp uy tín hàng đầu thế giới sang làm ăn, kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam, tạo ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát triển. APEC 2017 sẽ tạo cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tác động tích cực vào việc thay đổi thể chế, chính sách. 

APEC 2017 luôn có các hoạt động tương tác gần gũi, thiết thực giữa doanh nghiệp với các quan chức cao cấp, các nhà hoạch định chính sách, từ đó đưa ra các cam kết trong APEC cơ lợi cho doanh nghiệp. Sự hội tụ của các nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia… cùng với hơn 1.000 doanh nghiệp quốc tế thuộc các thành viên APEC đến Việt Nam trong dịp diễn ra sự kiện APEC 2017 cũng mang lại nhiều cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. 

Đối với các địa phương và doanh nghiệp, khoảng 200 hoạt động của APEC trong năm 2017 đã và sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch...

Riêng Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng có khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp hàng đâu khu vực và quốc tế cùng các tập đoàn truyền thông lớn tham dự. Đây chính là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động cũng như lợi thế so sánh của các địa phương, vùng miền cả nước./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất