Thứ Ba, 1/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 18/10/2010 15:36'(GMT+7)

Bạo lực học đường bùng phát do xử lý chưa nghiêm

GS Nguyễn Minh Thuyết.

GS Nguyễn Minh Thuyết.

- Thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, với tư cách là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên  và nhi đồng của Quốc hội, giáo sư có suy nghĩ như thế nào trước những vụ bạo lực học đường xảy ra  trong thời gian gần đây?

Chúng ta đều biết rằng vấn đề bạo lực học đường đã xảy ra  từ mấy năm trước, sau một thời gian lặng đi  thì gần đây nó lại bùng phát mạnh trở lại. Theo tôi có những nguyên nhân sau: Trước hết do cơ  quan quản lý  giáo dục nơi có học sinh đánh nhau xử lý chưa nghiêm với những học sinh tham gia đánh nhau. Những vụ việc đánh nhau được phát hiện và xử lý, chỉ dừng lại ở việc khiển trách cảnh cáo hay đình chỉ học. Tôi nghĩ rằng những vụ việc xảy ra có tính chất nghiêm trọng thì  học sinh vi phạm phải đưa vào trường giáo dưỡng.

Nguyên nhân thứ hai do nội dung phương pháp giáo dục đạo đức ở nhà trường chưa hiệu quả. Dường như chúng ta đang nặng về giáo dục lý thuyết mà chưa quan tâm nhiều giáo dục lối sống cho học sinh.

Nguyên nhân thứ ba do giáo dục ở mỗi gia đình có sự buông xuôi, thiếu sự quan tâm tới con cái. Hầu hết những học sinh tham gia đánh nhau là con của những gia đình cha mẹ không quan tâm hoặc ít quan tâm đến con cái.

-  Giáo sư có thể lý giải vì sao ở nước ta trong thời gian gần đây lại có nhiều nữ học sinh đánh bạn? Đó có phải là do giáo dục giới tính ở nước ta  đang có vấn đề?.

Đúng như vậy. Giáo dục giới tính chúng ta cần phải xem xét lại, theo tôi nghĩ với quan niệm cho rằng nam nữ bình đẳng, tức là nam giới mà làm được việc gì thì nữ giới cũng làm được việc đó, thì thật là một sai lầm. Chúng ta nên hiểu vấn đề bình đẳng ở đây là nam giới cũng như nữ giới hiểu vai trò vị trí của từng người từ đó mà hướng việc rèn luyện đạo đức và tri thức để làm tốt nhiệm vụ của mỗi người. Học sinh là đối tượng chúng ta cần phải quan tâm nhiều về vấn đề này.

- Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là điều rất cần thiết, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng rèn luyện kỹ năng sống chỉ là ngọn còn rèn luyện giá trị sống mới là gốc. Vậy ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi cả hai việc làm rèn luyện kỹ năng sống và rèn luyện giá trị sống cho học sinh  là hai việc làm cần phải song song, không nên xem nhẹ việc nào hơn việc nào. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu thế nào là giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống. Tôi nghĩ rằng chúng ta đôi khi đang lẫn lộn phạm trù giữa hai khái niệm này. Theo tôi rèn luyện kỹ năng sống tức trang bị cho học sinh những tiền đề để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đang đòi hỏi và đặt ra hiện nay.

- Theo giáo sư để chấm dứt bạo lực học đuờng hiện nay thì cần phải có biện pháp gì?

Giải pháp trước mắt là chúng ta phải thay đổi phương thức trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh. Lâu nay ta quen với cách phụ huynh biết thông tin con mình từ nhà trường thông qua sổ liên lạc và một vài cuộc họp phụ huynh với nhà trường.

Với hình thức này tôi cho rằng nó không đủ mà chúng ta cần phải có nhiều biện pháp khác như tổ chức nhiều cuộc trao đổi giữa phụ huynh và nhà trường để họ hiểu con mình nhiều hơn. Từ đó nhà trường và phụ huynh có giải pháp quản lý và giáo dục học sinh tốt hơn.

Giải pháp lâu dài là chúng ta cần phải có biện phạm mạnh tay hơn nữa đối với  những học sinh đánh nhau. Nên xử lý cả học sinh đánh và học sinh bị đánh mà không báo cho cơ quan an ninh, nhà trường biết. Mặt khác, chúng ta nên xem lại vấn đề giáo dục đạo đức hiện nay ở trường học và gia đình.

Ở một số nước trên thế giới nếu gia đình mà không giáo dục con cái là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn ở nước ta các gia đình thường chú ý tới chăm sóc thể xác con cái nhiều hơn việc trang bị kiến thức dạy con cách sống.  Vì vậy chúng ta cần nâng cao hoạt động của các tổ chức, hướng học sinh vào những hoạt động bổ ích nhằm định hướng cho học sinh  lối sống lành mạnh.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Trần Tuấn - VTCnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất