“Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” là thông điệp của chương trình hành động mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 bắt đầu từ ngày 1/6 đến 30/6.
Tuy nhiên, thông điệp mới chỉ dừng lại ở việc bảo vệ trẻ trước những hành vi xâm phạm thân thể mà chưa đề cập tới phần chìm của “tảng băng” bạo lực. Đó là những hành vi mang tính bạo hành về tinh thần chìm khuất bên trong. Trong xã hội hiện đại ngày nay, còn xuất hiện thêm một thứ bạo lực mang tên “kỳ vọng”!
Thứ “bạo lực” này “tinh vi” đến nỗi cả người bạo hành và nhiều người trong xã hội đều coi đó là việc hiển nhiên, là hành động thể hiện tình yêu thương.
Kỳ vọng vào con cái là điều mà bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng đều trông mong, nhất là trong một xã hội mang tính cạnh tranh cao thì sự lo lắng cho tương lai của con cái là hoàn toàn chính đáng. Nhưng khi sự kỳ vọng đó trở nên thái quá và đầy ảo tưởng về năng lực của con cái, vô hình chung đã đặt lên đôi vai những đứa trẻ gánh nặng áp lực, tạo nên những tổn thương không nhỏ trong cuộc sống của chúng.
Nếu nhìn vào con số mà Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh vừa công bố, hẳn nhiều người sẽ thấy rằng số “nạn nhân” của thứ bạo lực này lớn hơn rất nhiều những vụ bạo lực thân thể bị pháp luật xử lý.
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, năm 2011 có 25.000 lượt trẻ trong độ tuổi đi học (từ 3 - 15 tuổi) đến khám và điều trị. Năm 2012 con số này là 28.000, năm 2013 hơn 32.000. Từ đầu năm 2014 số lượng bệnh nhân là học sinh đến khám tăng liên tục, trung bình mỗi tuần tiếp nhận từ 600 đến 700 ca. Với tốc độ tăng này, trong khoảng 5 năm nữa, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh sẽ quá tải bệnh nhân trẻ. Đáng nói, trong số trẻ đến điều trị, có nhiều học sinh giỏi, học trường chuyên.
Từ xưa đến nay, người ta chỉ lên án những hành vi đầy đọa trẻ về vật chất và tinh thần, ít có sự lên tiếng về các kiểu áp lực tâm lý cha mẹ gây ra cho con cái, như: Con phải luôn đạt thành tích cao, luôn đứng đầu bảng trong học tập; phải làm việc ở những ngành nghề, những nơi danh giá, sang trọng, hoặc kiếm nhiều tiền...
Có thể thấy, việc cha mẹ vô tình biến cuộc sống của con cái thành một cái “máy” và quên đi khả năng, nguyện vọng, sở thích của con cái, đã phần nào lý giải vì sao tỷ lệ trẻ trong xã hội ngày nay “sướng” hơn trước nhưng con số mắc chứng trầm cảm, thậm chí tâm thần và tự tử lại cao hơn rất nhiều.
Đã đến lúc, bên cạnh hành động bảo vệ trẻ trước nạn bạo lực, chúng ta cần có nhiều hoạt động truyền thông mạnh mẽ để bảo vệ tinh thần trẻ; phương pháp giáo dục cần được cải cách; cha mẹ và xã hội không nên gây áp lực lên con em mình, hãy tôn trọng sự lựa chọn của con cái. Đừng để trẻ “cô đơn” ngay trong chính gia đình mình!/.
Thu Hà (QĐND)