Thỏa thuận Nga-Mỹ vốn được coi là giải pháp cho vấn đề Syria đang bị cản trở bởi bất đồng quốc tế.
Chính quyền Syria đã nhanh chóng đáp ứng hạn chót đầu tiên theo thỏa
thuận Nga-Mỹ, nhưng để thúc đẩy bước tiếp theo là đưa thanh sát viên vũ
khí hóa học tới Syria thì không hề dễ dàng khi bạo lực vẫn tiếp diễn ác
liệt tại quốc gia Trung Đông này. Mâu thuẫn Nga-Mỹ lại bắt đầu nổi lên
trong bối cảnh, Mỹ dự phòng phương án quân sự cho tình hình Syria còn
Nga thì cáo buộc phương Tây đang sử dụng thỏa thuận vũ khí hóa học để
đẩy mạnh một Nghị quyết sử dụng vũ lực nhằm vào Tổng thống Bashar
al-Assad.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình
CCTV của Trung Quốc ngày 22/9 khẳng định tài liệu về vũ khí hóa học tại
Syria đã được chuyển tới Tổ chức cấm vũ khí hóa học, đáp ứng thời hạn
đầu tiên trong thỏa thuận Nga-Mỹ và sẽ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp
Quốc xác nhận trong vài ngày tới. Ông Assad cũng nói rằng, tình hình an
ninh sẽ là rào cản với các thanh sát viên quốc tế khi tới Syria để xác
minh.
“Có 2 yêu cầu mà chính phủ Syria phải
thực hiện, trước tiên là cung cấp thông tin và dữ liệu cho Tổ chức cấm
vũ khí hóa học. Thứ 2 là đảm bảo để các thanh sát viên tiếp cận cơ sở
sản xuất và kho chứa vũ khí hóa học tại Syria. Có một trở ngại đó là
tình hình an ninh tại một số khu vực Syria không cho phép hoặc có thể
gây cản trở hoạt động của các thanh sát viên. Đây là những khu vực có
các tay súng nổi dậy và khủng bố ẩn náu. Chúng hoạt động theo sự điều
khiển từ nước ngoài và có thể thực hiện các vụ tấn công khủng bố để đổ
lỗi cho chính quyền Syria đang cản trở thỏa thuận Nga-Mỹ”, ông Assad nêu
rõ.
Trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày 22/9,
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc các nước phương Tây đang sử
dụng thỏa thuận vũ khí hóa học để đẩy mạnh một Nghị quyết tại Hội đồng
Bảo an Liên Hợp Quốc về sử dụng vũ lực nhằm vào chính quyền Syria. Ông
Lavrov cho biết, Mỹ bắt đầu đưa ra tối hậu thư với Nga. Ông Lavrov nói:
“Các đồng nghiệp Mỹ của tôi đang bắt đầu đưa ra tối hậu thư nói rằng,
nếu chúng tôi không chấp thuận một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên
Hợp Quốc về Syria, thì họ sẽ ngừng các hoạt động với Tổ chức cấm vũ khí
hóa học”.
Thỏa thuận Nga-Mỹ vốn được coi là “tia
sáng cuối đường hầm” cho Syria, đang bị cản trở bởi “bất đồng muôn thủa”
của cộng đồng quốc tế. Các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc -
một bên là Mỹ, Pháp và Anh muốn một nghị quyết ủng hộ các biện pháp
trừng phạt hoặc can thiệp quân sự nếu Damascus không thực hiện các cam
kết. Bên kia là Nga và Trung Quốc phản đối các mối đe dọa sử dụng vũ lực
vào Syria.
Trong bối cảnh này, Hội nghị Geneva 2 đã
được nhắc đến. Liên minh Dân tộc đối lập tại Syria khẳng định sẵn sàng
tham gia Hội nghị Geneva để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu đã bước sang
năm thứ 3 tại quốc gia Trung Đông này. Đây là tuyên bố rõ ràng đầu tiên
của Liên minh Dân tộc đối lập tại Syria được hậu thuẫn từ phương Tây,
cho rằng nếu các cuộc đàm phán tại Geneve hướng tới thành lập một chính
phủ chuyển tiếp tại Syria thì không có lý do gì mà lực lượng này lại từ
chối ngồi vào bàn thảo luận.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon dự
kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Nga và Mỹ vào cuối tháng này. Cuộc gặp được kỳ
vọng sẽ vạch ra lộ trình và thời gian cụ thể cho Hội nghị hòa bình
Geneva 2, nhằm đưa các đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria ngồi
vào bàn đàm phán để đi đến một giải pháp toàn diện./.
Theo VOVnews