Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 25/9/2010 10:10'(GMT+7)

Bạo lực và xâm hại trẻ em: Mới nhìn thấy "phần nổi của tảng băng"

Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt

Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt

Đây là những con số được công bố tại Tại hội thảo quốc gia “Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, ngày 24/9.

Kinh hoàng phần... nổi
 
Theo báo cáo của Bộ LĐ - TB&XH, hiện nay, tình trạng bạo lực trẻ em vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Báo cáo của các địa phương cho thấy, trong 2 năm 2008, 2009, cả nước đã xảy ra 5.956 vụ bạo lực trẻ em. Còn theo báo cáo của Bộ Công an, hàng năm có khoảng trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục với khoảng 900 nạn nhân, 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý hình sự.

Đặc biệt, trong đó có một số vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhiều trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, những người phải có trách nhiệm bảo vệ các em lại có hành vi bạo lực trẻ em. Điển hình như vụ em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ngược đãi, đánh đập trong thời gian dài; vụ Quản Thị Kim Oanh đánh đập trẻ em tại nhóm trẻ gia đình ở Đồng Nai; cháu Hồng Anh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị người “cha hờ” đánh đập, hành hạ dã man; hay như trường hợp cháu Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi (Cà Mau) bị vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức hành hạ suốt thời gian dài với các hình thức dã man…Gần đây nhất là vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý mới 9 tháng tuổi ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại hành hạ, đánh đập dã man khiến cho khắp cơ thể cháu bị sưng phù, tím tái lở loét,…
 
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực ở trong và ngoài trường học của học sinh vẫn tiếp tục xảy ra, là nỗi bức xúc của toàn xã hội và chưa làm an lòng các bậc phụ huynh. Hiện tượng bạo lực của học sinh không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra ở một số trường đã lộ tính nguy hiểm, nghiêm trọng như: học sinh đánh nhau gây thương tích, thậm chí tử vong. Đối tượng đánh nhau có cả nữ sinh.

 Ảnh minh họa

 Chăn dắt trẻ ăn xin.


 Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ đầu năm 2009 - 2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử ký kỷ luật khiểm trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) 735 học sinh. Theo tổng kết, cứ 5.260 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau; cứ 10.000 học sinh thì có 1 học sinh bị kỷ luật khiểm trách; cứ 5.555 học sinh thì có 1 học sinh bị cảnh cáo vì đánh nhau; cứ 11.111 học sinh thì có 1 học sinh bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau....
 
Không chỉ bị bạo hành, trẻ em còn là nạn nhân của các vụ bắt cóc, buôn bán người. Tình trạng trẻ em bị buôn bán bắt cóc vì mục đích thương mại có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2008 con số này là 208 em, năm 2009 đã tăng lên 628 em. Tình trạng này chủ yếu diễn ra ở khu vực biên giới, trẻ em bị  bắt cóc sang Trung Quốc hoặc sang Campuchia. Đặc biệt là tình trạng buôn bán trẻ em sơ sinh, trẻ em trong bào thai xảy ra ở nhiều nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam, Sóc Trăng…
 
Ngoài ra, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục cũng rất đáng báo động khi tăng từ 200 trường hợp năm 2005 lên 1.427 em vào năm 2008. Năm 2009, con số này là 833 em và ước tính  năm 2010, có khoảng 900 em là nạn nhân. 
 
Những con số trên mới chỉ được xem như là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trao đổi với VnMedia ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, đây chỉ là số trẻ em bị xâm hại tình dục đuợc trình báo. Con số trên thực tế còn cao hơn do công tác quản lý, nắm tình hình chưa chặt chẽ, nhiệu vụ xâm hại tình dục trẻ em bị che giấu do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân, sợ ảnh hưỏng tới tương lai của trẻ hoặc không tố giác do có sự thỏa thuận bồi thường giữa hai bên.

Bảo vệ trẻ em: Vòng luẩn quẩn

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em ngày càng nhiều và có xu hướng khó kiểm soát…

Còn theo các chuyên gia bảo vệ trẻ em, việc bảo vệ em, chăm sóc trẻ em ở trong lòng luẩn quẩn. Điều này thể hiện ở chỗ thiếu định nghĩa cụ thể, số trường hợp phát hiện báo cáo ít, số liệu không đầy đủ dẫn tới biện pháp can thiệp yếu.

 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo phân tích, Pháp luật nước ta về Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều nhưng còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể về các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Tác dụng phòng ngừa các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em của pháp luật chưa cao. Cơ cấu tổ chức, các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực chưa được quy định rõ ràng.

Điều này cũng được bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, ngoài việc nhận thức về xâm hại trẻ em của cộng đồng còn thấp, điểm yếu hiện nay là pháp luật nước ta chưa có những quy định đầy đủ, cụ thể về các hành vi và chế tài xử phạt đối tượng xâm hại trẻ em và bạo lực đối với trẻ em, nhất là xâm hại về mặt tinh thần.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động giáo dục tư vấn bảo vệ trẻ em được coi đóng vai trò quan trọng cũng chưa được quan tâm đầu tư kể cả nguồn lực và trí tuệ, sáng tạo và hệ quả dẫn đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em ở nước ta chưa cao./.

Kim Thảo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất