Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 13/9/2010 11:13'(GMT+7)

Xây dựng văn hóa giao thông: Bắt đầu từ mỗi con người


Có thể nói rằng, chưa bao giờ VHGT lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận như thời gian gần đây. Bộ GTVT phát động Tháng ATGT năm 2010 với chủ đề: "VHGT vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng", TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động chương trình "Thanh niên với VHGT"… Thế nhưng, người dân khi tham gia giao thông "hễ vắng vẻ, không thấy bóng dáng công an thì đường ngược chiều cũng đi, vạch chắn cũng cứ rẽ. Bất kỳ chỗ nào ô tô mở vòng cua thì xe máy chen lên chèn cứng. Tất cả đều bất chấp luật, tranh thủ phóng nhanh, vượt ẩu" - Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhận định. Điều đó dẫn đến hiện trạng mỗi ngày cả nước xảy ra 30-35 vụ TNGT. Riêng 6 tháng đầu năm có 6.941 vụ TNGT, khiến gần 11 nghìn người chết và bị thương, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 59,5 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy tình trạng mất ATGT hiện nay đang ở mức báo động "đỏ", để lại thương đau cho hàng vạn gia đình.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo TS Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia là do sự lấn chiếm hành lang ATGT, quỹ đất dành cho giao thông ít nên đường sá chật hẹp, xuống cấp nhanh, rồi sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện, đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông và quản lý giao thông còn kém. Minh chứng cho nhận định trên, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam đưa ra một ví dụ "sinh động" rằng, kết quả một cuộc điều tra xã hội học mới đây do Trung tâm thực hiện cho thấy có tới 71,8% số người được hỏi cho rằng họ phạm luật là do không nhìn thấy công an. Thoạt nghe có vẻ bất hợp lý nhưng kết quả điều tra ấy đã phản ánh rất đúng thực tế hiện nay. Điều đó chứng tỏ rằng những quy uớc xã hội và luật pháp đang có biểu hiện bị coi thường, nghiêm trọng đến mức con người biết mình đang làm điều sai, điều xấu nhưng không còn biết xấu hổ với chính mình - nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhấn mạnh.

Theo GS Vũ Khiêu: "VHGT đang trở thành một thước đo về văn hiến dân tộc, một vấn đề danh dự của Tổ quốc, về nhân phẩm của con người Việt Nam". Vì thế, sự yếu kém về VHGT gây mất ATGT như hiện nay đã trở thành "quốc nạn", phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Giải quyết bằng cách trừng phạt và giáo hóa. Trừng phạt phải nghiêm theo tinh thần pháp trị, đã sai là phạt, không có chiếu cố, tùy tiện tha, tùy tiện phạt. Còn giáo hóa là việc nhà trường, gia đình phải tuyên truyền ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông cho con em mình ngay từ lúc nhỏ.

Tương tự, GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm dự án VHGT cho rằng: Biểu hiện cao nhất của VHGT là ý thức chấp hành pháp luật. Để có ý thức, trước hết phải làm cho người tham gia giao thông hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật. Có nghĩa là, giáo dục ý thức VHGT cho cộng đồng phải đi đôi với những quy định của pháp luật.

Đồng tình với quan điểm trên, Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống cho rằng trách nhiệm của người thực thi luật pháp rất quan trọng. Ông Thống kiến nghị, Bộ Công an nên lắng nghe ý kiến của toàn dân; phải nghiêm túc nhìn nhận, kiểm điểm, làm rõ chuyện nhân dân phản ánh tình trạng "công an vồ", "công an núp", lấy chức năng phạt tiền là chính chứ không xem trọng chức năng điều khiển, hướng dẫn giao thông. Nên coi đó là những yếu kém cần khắc phục để từ đó, ngành công an tổ chức đợt sinh hoạt tư tưởng rộng rãi trong toàn ngành. Về lâu dài, ông Thống đề nghị Nhà nước dùng số tiền phạt từ người vi phạm luật, mua camera lắp đặt ở những điểm nút giao thông để giám sát việc thi hành luật của mọi người tham gia giao thông. Song có nói gì đi chăng nữa mà không sớm thu hút được người dân tự giác xây dựng VHGT thì chúng ta không thể có được một nền VHGT thực sự. Do vậy rất cần triển khai cuộc vận động toàn quốc xây dựng VHGT tương tự cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"… - Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống nhấn mạnh.

Theo Hà Nội Mới
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất