Vào ngày 13/10, tờ “Thời báo Niu Yoóc'' đăng bài viết nhan đề ''Cánh cửa đã mở cho các đòi hỏi y tế liên quan đến chất độc da cam'', đây chắc chắn là điều tốt đối với các cựu binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương. Bài báo này tường thuật rằng mãi đến 38 năm sau khi Lầu Năm Góc ngừng rải chất diệt cỏ có pha chất điôxin cực độc trên nhiều vùng ở miền Nam Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ mới thừa nhận những gì các cựu binh Mỹ đã tuyên bố từ lâu: Ngoài 13 căn bệnh đã được xác định trước đây là do bị nhiễm chất hoá học này gây ra, Bộ cũng chịu trách nhiệm thêm ba bệnh nữa đáng sợ hơn, đó là bệnh Parkinsơn, bệnh tim do thiếu máu, và bệnh bạch cầu tế bào đa mao.
Theo một chính sách mới đã được Bộ Cựu Chiến binh Mỹ chấp nhận, Bộ này sẽ bắt đầu giúp đỡ y tế miễn phí cho bất kỳ ai, nằm trong số 2,1 triệu cựu binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, nếu họ chứng minh rằng họ có thể đã bị bệnh do nhiễm chất độc da cam.
Đây là một bước tiến muộn màng nữa trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng chục năm của các cựu binh Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam để buộc Bộ Quốc phòng và Bộ Cựu Chiến binh phải thừa nhận trách nhiệm của Chính phủ Mỹ vì đã làm họ bị nhiễm độc và từ đó gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho bản thân họ và thường là cho con cháu của họ. Là một trong các loại chất cực độc mà con người từng biết đến, điôxin là chất được biết đã gây ra nhiều bệnh ảnh hưởng đến toàn cơ thể khá nguy hiểm, bệnh rối loạn hệ miễn dịch, ung thư và khuyết tật bẩm sinh. (Đây cũng là lời cảnh báo về cách giải quyết nói chung của Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ về các mối nguy hiểm khác sinh ra từ việc họ sử dụng các chất độc trên chiến trường, một cách giải quyết bộc lộ rõ ràng sự thiếu quan tâm đến các ảnh hưởng về sức khỏe đối với binh lính và dân thường, không cung cấp thông tin cho họ, và từ chối giúp đỡ về y tế cho những nạn nhân sau cùng).
Tuy bài báo trên của phóng viên Janles Dao, người chuyên viết về các vấn đề của quân đội, có nhắc đến vai trò trì hoãn mà Chính phủ Mỹ đã đóng trong suốt câu chuyện đáng tiếc này, nhưng chẳng nhắc, dù chỉ một nhắc đến số nạn nhân còn lớn hơn rất nhiều chịu ảnh hưởng của chất độc da cam tại Việt Nam, những con người đã hứng trọn trên đầu và trên đất của họ chất hoá học độc hại đã thật sự được rải xuống trong suốt thời chiến; hay cũng chẳng nhắc đến việc Chính phủ Mỹ cương quyết từ chối nhận bất kỳ trách nhiệm nào cho những hàu qủa do chính mình gây ra.
Theo bài báo trên, Bộ Cựu Chiến binh ước tính rằng có đến 200 nghìn cựu binh Mỹ đang bị những bệnh có liên quan đến chất độc da cam. Nhưng theo một vụ kiện thay mặt cho những nạn nhân người Việt Nam, đã bị một chánh án Toà án liên bang Mỹ bác đơn khi ông phán quyết rằng ''vụ kiện không có cơ sở'', thì có ít nhất ba triệu người Việt, và có thể có đến 4,8 triệu người cũng bị cùng những bệnh giống như các căn bệnh mà các cựu binh Mỹ và con cái họ đang mắc phải. Người ta ước tính rằng có đến 800 nghìn người Việt ở miền Nam của Việt Nam hiện đang gánh chịu những vấn đề về sức khỏe kinh niên gây ra do bị nhiễm chất độc da cam, hoặc do bản thân bị nhiễm hay do cha mẹ hoặc ông bà truyền qua. Đa phần những nạn nhân này, người bị chậm phát triển, người không đi lại được hay cả hai tay đều bị tàn phế, đều cần được săn sóc thường xuyên.
Tổ chức ''Các cựu chiến binh vì hoà bình'', với một số lớn hội viên là cựu binh thời chiến tranh Việt Nam, đã phát ra lời kêu gọi Mỹ hãy cung cấp tài chính cho các chương trình y tế, giáo dục, giáo dục hướng nghiệp, săn sóc lâu dài, săn sóc tại nhà, và thiết bị dùng để dọn sạch các điểm nóng về điôxin tại Việt Nam - lời kêu gọi mà Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng thường xuyên bỏ qua. Các cuộc xét nghiệm bên ngoài vành đai ba căn cứ chính của quân đội Mỹ trước đây ở miền Nam Việt Nam đã phát hiện mức độ điôxin cao hơn từ 300 đến 400 lần mức độ an toàn cho phép. Mỹ đã trút xuống những số lượng rất lớn chất độc da cam trải dài đến mấy dặm bao quanh các căn cứ này nhằm tẩy sạch rừng rậm mà các lực lượng cộng sản miền Bắc Việt Nam có thể lợi dụng để tiếp cận các căn cứ, nhưng khi Mỹ rút đi, những nơi bị rải thuốc này không bao giờ được dọn sạch.
Một tổ chức khác, gồm một số cựu binh Mỹ, trong số họ có người từng là bác sĩ quân y hay từng là lính trước khi trở thành bác sĩ, thuộc Hội ''Dự án của Mỹ về Làng Hữu nghị Việt Nam'', hiện quyên góp tiền để giúp lập ra những cộng đồng ở Việt Nam để săn sóc cho nạn nhân chất độc da cam.
Tưởng chừng như là một vết đâm đau đớn vào nguyên tắc chuẩn thời chiến khi ta nghĩ đến việc Mỹ dùng hai quả bom nguyên tử vào các mục tiêu dân sự ở Nhật Bản một vài năm sau đó, nhưng trước đó, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ngay giữa cuộc chiên tàn bạo nhất để giành từng hòn đảo trong cuộc chiến Thái Bình Dương, một cố vấn về pháp lý trong Bộ Quốc phòng Mỹ đã phán quyết rằng yêu cầu của quân đội xin phép được sử dụng thuốc diệt cỏ dại nhằm chống lại người Nhật trên các đảo Thái Bình Dương sẽ bị xem là bất hợp pháp, chiếu theo Công ước La Hay (tiền thân của Công ước Giơnevơ ngày nay). Ông phán quyết rằng hành động cố gắng hủy diệt những vụ mùa của dân thường trên các đảo này nhằm cắt đứt nguồn lương thực của quân Nhật sẽ bị coi là tội ác chống lại nhân loại. Nhưng Mỹ vẫn xúc tiến việc sử dụng thuốc diệt cỏ dại, lập luận rằng cho dù việc làm này là bất hợp pháp, Mỹ vẫn có quyền tự do hành động vì người Nhật đã vi phạm luật chiến tranh trước, khi họ dùng chất độc Strychnine để giết các đội chó bảo vệ trong quân đội tại Xibêri. Theo các luật lệ trong chiến tranh, nếu một bên phá luật, bên kia không còn bị luật ràng buộc nữa.
Nhưng Việt Cộng và quân đội Bắc Việt Nam đã không bao giờ sử dụng các chất độc để chống lại quân đội Mỹ hay chống lại quân đội Việt Nam Cộng hòa. Và trong chiến tranh Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí không bao giờ xem xét rằng việc phun thuốc diệt cỏ dại rất độc trên diện tích hơn 1,4 triệu ha, 12% tổng diện tích đất của Việt Nam, và gần như 25% diện tích đất của miền Nam Việt Nam, có thể xem là tội ác chống lại nhân oại.
Hơn nữa, trước khi bắt đầu chiến dịch khai quang rộng lớn trên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã biết về các cuộc nghiên cứu xác định rằng chất độc da cam có pha nhiều chất đioxin rất độc, song vẫn giấu kín các nghiên cứu này, trong đó có các nghiên cứu của các công ty hoá chất như Dow Chemical và Monsanto, và thậm chí không bao giờ báo cho những người lính vốn tiếp xúc hàng ngày với chất này để đề phòng, hay báo cho những người lính được phái đến để đánh nhau trong các vùng đã bị rải đầy thuốc.
Thảm họa y tế đang diễn ra tại Việt Nam ngày nay, gây ra do Mỹ sử dụng bất hợp pháp chất độc ra cam nhằm khai quang cả một quốc gia, có thể là một dịp tốt cho Tổng thống Obama bắt đầu chứng tỏ giá trị Giải Nobel Hoà bình mà ông mới được trao tặng. Ông có thể bắt đầu chiến dịch hoà bình của mình bằng cách cuối cùng tôn trọng lời hứa, vốn đã bị bội hứa ngay lập tức, của Tổng thống Richard Nixon, lúc kết thúc các cuộc hòa đàm vào cuối cuộc chiến, để giúp viện trợ hàng tỷ USD tái thiết cho Việt Nam. Không có một đồng USD viện trợ nào như đã hứa được trao.
Phóng viên Dao cho biết ông đã không đề cập đến ý nghĩa đối với các nạn nhân đioxin người Việt Nam khi đưa tin về quyết định của Bộ Cựu Chiến binh thừa nhận thêm ba căn bệnh mới có liên quan đến chất độc da cam, bởi vì ''tôi chỉ chuyên viết bài về cựu binh Mỹ'', và vì ông chỉ được viết bản tin trong 800 từ. Điều này có thể đúng (mặc dù rõ ràng người Việt Nam ít ra cũng được đáng nhắc đến trong bài, dù chỉ một câu). Nhưng trước đó vàô ngày 25/7/2009, cũng tờ ''Thời báo Niu Yoóc'' khi đăng bài (do Janie Lorber viết, chứ không phải do Dao) về sự khám phá của một nhóm chuyên gia thuộc viên y khoa quốc gia về mối liên hệ giữa bệnh Parkinson, bệnh tim do thiếu máu, và bệnh bạch cầu với chất độc da cam, cũng không nhắc đến các nạn nhân người Việt: Trong trường hợp này, về mặt báo chí, sự vô tâm này khó mà tha thứ được, vì đây là bài viết về khám phá mới trong y khoa, chứ không phải bài về quyết định chính sách liên quan đến phúc lợi y tế dành cho các cựu binh Mỹ.
Ngay từ bây giờ, cách duy nhất để tờ ''Thời báo Niu Yoóc'' có thể vớt vát một chút danh tiếng báo chí của họ về chủ đề này là yêu cầu các phóng viên Dao, Lorber, và các phóng viên khác viết một bài về tác động của chất độc da cam do Mỹ sử dụng đối với nhân dân Việt Nam. Họ có thể bắt đầu bằng việc gọi điện đến một cựu binh Mỹ ở cảc Hội ''Các cựu chiến binh vì hòa bình'' ''Dự án của Mỹ về Làng Hữu nghị Việt Nam./.
(Nguồn TTXVN)