(TG)-Hát sắc bùa Phú Lễ, loại hình diễn xướng dân gian độc đáo vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là hình thức hát dân ca cổ nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có nguồn gốc từ vùng Nam Trung Bộ. Hiện nay, chỉ duy nhất tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre còn lưu giữ được Hát sắc bùa và ngành văn hóa đang triển khai các phương thức bảo tồn nhằm phát huy những giá trị độc đáo trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.
Một loại hình dân ca độc đáo
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xác định tục Hát sắc bùa ở Bến Tre có nguồn gốc từ Nam Trung Bộ, cụ thể là vùng đất Quảng Ngãi - Bình Định. Loại hình diễn xướng này đã cùng người dân “hành phương nam” trong công cuộc khai hoang, mở đất, tạo lập nên vùng đất Phú Lễ. Tương truyền, khoảng giữa thế kỷ 18, có một viên quan lại người Bình Định tên là Trần Văn Hậu làm rể ở Phú Lễ, khi về quê vợ đã truyền dạy cho người dân nơi đây cách Hát sắc bùa. Sau đó Hát sắc bùa được truyền dạy sang các địa phương lân cận trong huyện Ba Tri như: Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh, An Bình Tây và Tân Thanh của huyện Giồng Trôm. Tính về thời điểm ra đời, có thể nói, Hát sắc bùa là loại hình dân ca cổ nhất của Nam Bộ và đến nay đã có nhiều biến đổi so với ban đầu. Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp, kết hợp cả nghệ thuật hát, múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, có hình thức cử hành nghi lễ phù hợp với trình độ tư duy và cảm thụ nghệ thuật của cư dân nông nghiệp. Hát sắc bùa mang ý nghĩa chúc tụng với lễ nghi nông nghiệp gắn cùng yếu tố tâm linh, cầu cho năm mới an lành, mùa màng cây cối tốt tươi, “người yên, vật thịnh”, trăm nghề tấn phát, bình an gia đạo trong dịp Tết Nguyên đán.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre Lư Văn Hội cho biết: Nhạc cụ trong Hát sắc bùa gồm: một đờn cò, một trống cơm, sanh cái và sanh tiền. Ngày xưa, sau giao thừa, các đội Hát sắc bùa sẽ đến từng nhà hát chúc mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của ông bầu, đội sẽ đánh trống cơm, gõ sanh tiền và Hát sắc bùa. Một đội gồm ít nhất bốn nghệ nhân, khi đông có thể từ tám đến 12 người. Các nghệ nhân vừa hát vừa chơi nhạc cụ và biểu diễn các điệu múa. Người hát chính được gọi là “cái kể”, những người hát còn lại hát phụ, gọi là “con xô”. “Cái kể” hát trước, mỗi người còn lại trong đội hát một câu so le, câu kế cả đội cùng hát. Lời Hát sắc bùa là những bài thơ dài thuộc thể thơ lục bát, thơ năm chữ hoặc bốn chữ, xuất xứ từ thơ ca trữ tình dân gian, có cùng một làn điệu và bố cục gần như tương tự.
Mỗi buổi Hát sắc bùa được chia ra làm hai phần: phần mang tính nghi lễ và phần hát góp vui. Phần mang tính nghi lễ bắt đầu thực hiện từ ngoài cửa rào, trước cửa rào, trước bàn thờ gia tiên dán bùa yểm quỷ, trừ tà trên các cửa nhà trình tự các bài: mở cửa rào, mở ngõ, khai môn,… Nội dung Hát sắc bùa chủ yếu là những lời chúc tụng nhau với cầu mong mùa màng tươi tốt, gia đạo bình an, sung túc, nghề nghiệp ổn định, sự nghiệp mở mang… Lời bài hát mộc mạc, đơn giản dễ hiểu như: “Nhà ông cửa kín, rào cao; Tôi vô chẳng đặng đứng ngoài tôi rao…” (bài Mở cửa rào) hoặc “Một năm mười hai tháng; Một tháng ba mươi ngày; Đầu xuân, chơi xuân có mấy lần; Dập dìu con én đưa thoi…” (bài Chơi xuân). Hầu hết gia chủ khi thấy đội Hát sắc bùa đến thì tiếp đón trang trọng, đưa đến trước bàn thờ tổ tiên để dán bùa trấn áp ma quỷ, đem đến sự an lành. Nghi thức hát và dán bùa không cầu kỳ nhưng rất trang nghiêm. Sau những bài hát mang tính nghi lễ, toàn đội ra sân ngồi để hát giúp vui, bao gồm các bài vè, lý có nội dung chúc tụng gia chủ và các thành viên trong gia đình năm mới làm ăn phát đạt, chúc nghề nghiệp cho khách đến vui xuân.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá cao giá trị di sản Hát sắc bùa Phú Lễ và cho rằng, những làn điệu, lời ca của loại hình dân ca này là nguồn tư liệu quý, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần và sinh hoạt của cư dân miền Tây Nam Bộ nói chung. Người Hát sắc bùa phải đam mê, kiên trì luyện tập mới hát đúng vì nếu không đúng hơi thì không ra Hát sắc bùa. “Cái kể” thì phải giữ nhịp đôi liên tục còn “con xô” thì không được hụt hơi, lạc nhịp.
Hát sắc bùa hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu văn nghệ của cộng đồng mà còn góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Quang, đội trưởng Hát sắc bùa Phú Lễ kể: “Hồi nhỏ, mỗi dịp Tết, ở đâu có Hát sắc bùa là tôi đi theo xem cho nên dần dần thuộc nhiều bài hát. Gần đây, khi khôi phục nghệ thuật Hát sắc bùa, địa phương đã mời tôi làm đội trưởng để cùng các nghệ nhân trong xã tập luyện, biểu diễn, đồng thời hướng dẫn các em học sinh biết và kế thừa nghệ thuật độc đáo này”.
Sống lại một di sản
Từng một thời thịnh hành trên vùng sông nước phương nam, nhưng sau bao biến đổi thăng trầm, Hát sắc bùa dần bị mai một. Từ năm 1985 đến 1998, tục Hát sắc bùa ở xã Phú Lễ gần như không còn do các nghệ nhân lớn tuổi đã qua đời gần hết và không có thế hệ kế thừa. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre Lư Văn Hội, năm 1998, Hát sắc bùa Phú Lễ được đề nghị đăng ký vào dự án Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam do Viện Văn hóa - Thông tin (thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chịu trách nhiệm quản lý, điều hành. Từ đó, Hát sắc bùa dần hồi sinh với nhiều đội được thành lập. Hiện tại, toàn tỉnh có năm địa phương có đội Hát sắc bùa gồm: xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm), Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tri, xã Phú Lễ, Bảo tàng Bến Tre và Trường THCS xã Phú Lễ. Ông Tô Quang Mười, Chủ tịch UBND xã Phú Lễ cho biết: “Hiện tại, xã có một đội Hát sắc bùa của người lớn và ba đội Hát sắc bùa của học sinh Trường THCS Phú Lễ. Mỗi dịp lễ, Tết, đội Hát sắc bùa được mời đi biểu diễn khắp nơi. Địa phương đã có kế hoạch truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật độc đáo của cha, ông”.
Đội Hát sắc bùa Phú Lễ biểu diễn phục vụ cộng đồng. Ảnh: NHẬT HÀ
Năm 2014, Trường THCS Phú Lễ đã thành lập một đội Hát sắc bùa với sáu học sinh tham gia. Đến nay, đã tăng lên ba đội, với 21 học sinh. Thầy Huỳnh Kim Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lễ cho biết: “Đội Hát sắc bùa đang được nhà trường duy trì, tập vào dịp nghỉ hè. Khi địa phương có nhu cầu vào dịp cúng đình, lễ hội… các em đều tham gia. Hiện tại, nhà trường đang tuyển chọn mỗi lớp từ năm đến sáu em có năng khiếu tham gia vào đội để có lứa kế cận”.
Khi tham gia đội Hát sắc bùa, nhiều em học sinh rất vui vì học được nghệ thuật độc đáo của thế hệ trước. Từ chỗ chưa biết gì về Hát sắc bùa, giờ các em đã trở thành những nghệ nhân thực thụ khi vừa sử dụng nhạc cụ vừa hát. Em Hồ Phú Vinh, học sinh lớp 7/2, Trường THCS Phú Lễ cho biết: “Là thế hệ con, cháu đang sinh sống ở xã Phú Lễ, em muốn học thành thạo Hát sắc bùa để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cha, ông để lại”.
Thông thường, các em học sinh ở Trường THCS Phú Lễ được hướng dẫn tập Hát sắc bùa vào dịp nghỉ hè và tham gia trình diễn trong các dịp cúng đình hoặc lễ hội ở địa phương. Tuy nhiên, để góp phần bảo tồn loại hình văn hóa này, nếu dừng lại ở một Trường THCS Phú Lễ thì Hát sắc bùa sẽ ít được thế hệ trẻ biết đến. Tỉnh Bến Tre nên có chủ trương nhân rộng mô hình dạy Hát sắc bùa Phú Lễ ra nhiều trường, đồng thời, tổ chức các buổi giao lưu, cuộc thi tìm hiểu về loại hình diễn xướng này.
Từ chỗ bị mai một, nghệ thuật Hát sắc bùa Phú Lễ đã hồi sinh và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với nhiều nghệ nhân biểu diễn thành thạo và có cả thế hệ trẻ kế thừa. Loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này mãi là niềm tự hào, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.
Hoàng Lê (nhandan.vn)