Thứ Năm, 26/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 25/11/2013 22:9'(GMT+7)

Bảo tồn, nâng cao giá trị ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai

Giờ lên lớp của học  sinh Trường Tiểu học số I xã Sín Chéng (Lào Cai)

Giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học số I xã Sín Chéng (Lào Cai)

Theo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh: hiện Lào Cai có 13 dân tộc với 25 ngành, nhóm khác nhau; mỗi một dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng; trong cùng một dân tộc nhưng mỗi nhóm, ngành mang một đặc điểm sắc thái riêng tương tự như một tộc người đã tạo cho Lào Cai là tỉnh giàu bản sắc văn hóa, vừa là nơi thuận lợi cho giao lưu, hội tụ văn hoá.

Thấm nhuần ý nghĩa quan trọng và tầm chiến lược của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Tỉnh ủy Lào Cai đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện, trong đó, đề cập một cách thỏa đáng tới vấn đề tiếng nói, chữ viết của các dân tộc tỉnh nhà. Thời gian qua, bên cạnh những thành tích đạt được trên các lĩnh vực văn hóa, việc bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc của đồng bào thiểu số được quan tâm.

Xác định việc dạy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là việc làm cấp thiết, đưa tiếng nói, chữ viết các dân tộc vào học đường và trong xã hội sao cho hiệu quả nhất. Do đó, địa phương đã triển khai biên soạn giáo trình tiếng Mông và được Bộ Giáo dục Đào tạo phê chuẩn thành giáo trình chuẩn áp dụng trong toàn quốc. Đồng thời đã tổ chức các lớp học tiếng Mông cho người dân và cả các cán bộ công chức công tác tại vùng người Mông đạt kết quả cao. Các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc: Mông, Dao, Giáy được sử dụng thường xuyên. Tỉnh cũng đã xây dựng phòng lồng tiếng cho các ngôn ngữ: Mông, Dao, Phù Lá thực hiện lồng tiếng cho các chương trình phim, phóng sự phát hành cho các đội chiếu bóng lưu động trong toàn tỉnh phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Ông Phạm Xuân – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai cho biết: Cho đến nay, phong trào dạy và học tiếng Mông đã và đang được địa phương quan tâm, khôi phục, đi vào hoạt động có nề nếp. Nhận thức tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, là biện pháp để xoá bỏ rào cản về ngôn ngữ cho học sinh khi mới đến trường và để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Mông, việc dạy và học tiếng Mông đã được ngành giáo dục tỉnh Lào Cai chỉ đạo thực hiện mang tính hệ thống, khoa học, có chương trình, giáo án phù hợp với các cấp học.

Đối với việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá của các đồng bào dân tộc: Thời gian qua địa phương đã có nhiều chương trình liên kết nhằm khai thác thế mạnh về di sản văn hoá đặc sắc của các dân tộc. Tiêu biểu như phối hợp với Viện Dân tộc học xác định các thành phần dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhất là các nhóm như: Phù Lá – Xá Phó, Pa Dí – Thu Lao, Tu Dí – Tày Nặm; hợp tác với Viện Ngôn ngữ học khảo sát di sản sách cổ và ngôn ngữ của các nhóm dân tộc.

Đến nay, Lào Cai đã tiến hành tổng kiểm kê thực trạng kho sách cổ ở 466 làng người Dao trên địa bàn tỉnh, đánh mã số kiểm kê trên 11.000 cuốn sách cổ. Sưu tầm trên 700 cuốn; phân loại, chụp trên 20.000 ảnh sách cổ lưu trữ trong máy vi tính; hoàn thành cuốn sách Giáo trình dạy chữ Nôm – Dao; mở 20 lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho thanh, thiếu niên người Dao tại huyện Bảo Thắng.

Bên cạnh đó, để truyền dạy, quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc thiểu số cho thế hệ trẻ. Lào Cai đã ban hành một số cơ chế trong việc phát hiện, công nhận và đặt hàng đối với đội ngũ các nghệ nhân dân gian trong sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy, quảng bá các tinh hoa, di sản văn hóa. Đến nay Lào Cai đã xây dựng được đội ngũ nghệ nhân dân gian đông đảo, có trình độ chuyên môn, hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực tri thức, văn hóa dân gian, có đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Tiêu biểu là các nghệ nhân: Ma Thanh Sợi, Hoàng Thị Cứ – dân tộc Tày (huyện Bảo Yên); Giàng Seo Gà – dân tộc Mông (huyện Sa Pa); Triệu Văn Quẩy, Hoàng Sỹ Lực – dân tộc Dao (huyện Bảo Thắng); Hoàng Xín Hòa – dân tộc Nùng (huyện Mường Khương), v.v… 

Ngôn ngữ, chữ viết là di sản văn hóa quý báu của các dân tộc, đồng thời là phương tiện tối ưu để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức trong cộng đồng và khẩn trương đẩy mạnh công tác bảo tổn, phát huy, phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, thiết thực góp phần quan trọng để tiếp tục đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) vào cuộc sống./.

Nguyên Sa (Lào Cai)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất