Thứ Năm, 26/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 23/11/2013 11:3'(GMT+7)

Đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

 

Trong khuôn khổ hoạt các hoạt động của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam”, ngày 22-11-2013, tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo: “Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa ở Trung ương, các địa phương (Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kom Tum…); đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam và đại diện các cơ quan báo chí. Đồng chí Hồ Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch dự và chủ trì Hội thảo.

Việt Nam là một quốc gia đa văn hóa, gồm 54 dân tộc anh em sinh sống trên khắp mọi vùng miền trong cả nước. Mỗi dân tộc đều tự hào về diện mạo văn hóa riêng của mình. Trong lịch sử phát triển các dân tộc, trang phục truyền thống vừa là sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của dân tộc, vừa là một trong các giá trị được lưu giữ, truyền bá và góp phần làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc đó. Qua trang phục cùng các kiểu dáng cắt may, hoa văn trang trí, cách mặc và cách kết hợp giữa trang phục và đồ trang sức mỗi dân tộc đều mang trong mình một sắc thái của vùng miền, của dân tộc mình. Hầu hết các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam đều có trang phục truyền thống riêng, là dấu hiệu đặc trưng để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng… trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn về điều kiện kinh tế xã hội, cơ chế chính sách, công tác bảo tồn, tâm lý người dân... Hậu quả của sự thay đổi nhanh chóng đó là nhiều tộc người đã không giữ được bản sắc trang phục của dân tộc mình, nhất là những tộc người có số dân ít (dưới 1000 người) hoặc những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao (Si La, Ơ Đu, Lự, Rơ măm…).

Trước thực trạng trang phục truyển thống của một số dân tộc thiểu số đang dần bị mai một và lãng quên, các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý văn hóa và nhất là bà con là đại diện các dân tộc ít người như: dân tộc Mông, Khơ Mú, Si La, Ơ Đu, Lự, Rơ măm…) đã phát biểu, đóng góp những ý kiến tâm huyết nhằm đưa ra hệ thống giải pháp có tính khả thi để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong thời điểm hiện nay.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao  và Du lịch ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa, các nhà thiết chế, đặc biệt là ý kiến đề xuất của đồng bào dân tộc thiểu số để có căn cứ kịp thời tham mưu, đề xuất, xây dựng ban hành cơ chế chính sách phù hợp nhằm bảo tồn, phát triển trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số.

Về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đồng chí chỉ đạo Vụ Dân tộc chuẩn bị xây dựng Đề án (hoặc Đề án riêng, hoặc lồng ghép) với các Đề án cụ thể hóa Quyết định 1270/QĐ/-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ươg và địa phương khẩn trương xây dựng Đề án; kế thừa kết quả của cuộc trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số đã thực hiện trước đó để xây dựng Đề án; trình Chính phủ trong quý III/2014.

Đồng chí nhấn mạnh, những vấn đề được bàn thảo tại cuộc Hội thảo này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trang phục các dân tộc thiểu số. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, nhất là trong thời điểm trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một và việc đề xuất được cơ chế chính sách sẽ góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trang phục, góp phần làm phong phú, đậm đà nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc và thống nhất trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

 

Lê Thu Nguyệt
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất