Đất nước Việt Nam ta bốn mùa hoa trái, quanh năm cây cối tốt tươi. Nhiều giống cây mới được lai tạo đã cho năng suất cao và chất lượng tốt. Nhưng cũng có nhiều giống cây tuy chất lượng tốt nhưng do năng suất thấp, không cho kinh tế dẫn đến có nguy cơ “tuyệt chủng”, cần có sự tham gia bảo tồn của các nhà khoa hoc. Cây bưởi đường Quế Dương (xã Cát Quế - Hoài Đức - Hà Nội) là một loại cây ăn quả đã và đang được bảo tồn như thế.
Từ lâu đời nay, ở vùng bãi ven sông Đáy có một giống bưởi ngọt: cây cao, trái nặng, múi nhiều nước, tôm ráo và vị ngọt lịm. Theo các cụ cao tuổi kể lại thì bưởi này ngày xưa quả rất to (khoảng 1-1,5kg) được dùng để “Tiến Vua” và được các vị vua chúa rất ưa thích. Loại bưởi này được nhân dân vùng Cát Quế gọi là bưởi Ta (hoặc bưởi Tháp Thượng, bưởi Quế Dương). Giống bưởi đường Quế Dương có khả năng sinh trưởng khoẻ, tán cây hình bán cầu, bộ lá to, xanh thẫm, mỏng hơn bưởi Diễn. Chiều cao cây trung bình 7,90m. Đường kính gốc trung bình 15,67 cm, đường kính tán trung bình 8,34 m, chiều cao phân cành 0,55m. Mỗi năm có 3 đợt lộc chính. Cây ra hoa vào đầu tháng 2 đến đầu tháng 3 dương lịch. Quả có dạng hình cầu, vỏ màu vàng nhẵn. Múi quả ngọt nhiều nước, không có vị the đằng, vỏ mỏng, tỉ lệ phần ăn được của quả đạt 68,5-76,5% . Đặc biệt ưu thế của giống bưởi đường Quế Dương là thời gian thu hoạch sớm từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 để rải vụ với nhu cầu tiêu dùng trước khi bưởi Diễn được thu hái. Nhưng do nhiều năm, cùng với sự biến đổi khí hậu, cây bưởi Quế Dương không được đầu tư chăm sóc, chỉ sinh trưởng tự nhiên nên quả nhỏ dần, số lượng quả ít. Tuy vẫn giữ được vị ngon, nhưng so với các loại bưởi khác, nhất là bưởi của các tỉnh phía Nam và của nước ngoài thì hiệu quả kinh tế bưởi Quế Dương càng ngày càng thấp dần. Vì không kinh tế nên người ta chặt hết để trồng các giống cây có giá trị kinh tế cao hơn, duy nhất chỉ còn lại một cây bưởi tổ ở xóm Tháp Thượng (Thôn Quế Dương - xã Cát Quế).
Bưởi Quế Dương |
Do nhớ trái bưởi ngon, vị ngọt nên những người dân xã Cát Quế đã chiết cành từ cây bưởi tổ mang về trồng. Nhưng vì cây cho ít quả, trái nhỏ, nếu bán khó cạnh tranh với các giống bưởi khác ngoài thị trường nên mỗi nhà chỉ trồng một vài cây để ăn và làm quà cho người thân. Hiện nay, cả xã chỉ còn khoảng 1.000 gốc nằm rải rác trong vườn của hầu hết các hộ dân trong xã.
Trăn trở muốn bảo tồn vốn cây quý hiếm của quê hương, năm 1998, Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Khắc Qụỳnh (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cùng một số cộng sự của Viện đã có ý tưởng xây dựng dự án bảo tồn vốn cây quý bưởi đường Quế Dương. Đến năm 2011, được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu có tên “Bảo tồn giống cây ăn quả vùng lũ sông Đáy”. các nhà khoa học của Viện do Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quỳnh là trưởng nhóm đã bắt tay vào triển khai Dự án. Tham gia, còn có các cấp Hội nông dân của huyện Hoài Đức: Bà Nguyễn Thị Mão - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức làm chủ đề tài, ông Nguyễn Như Hảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế và một số nông dân trong xã cùng thực hiện.
Hầu hết những cây bưởi ngọt xin bình tuyển đều có tuổi cây từ 10 năm trở lên, có cây được trồng từ năm 1985. Cây ít tuổi nhất cũng được trồng từ năm 1998. Những người tham gia Dự án đều là người dân xã Cát Quế. Họ phải đạt đủ các tiêu chí: diện tích vườn của gia đình phải đạt trên 2 sào Bắc Bộ; Vườn đang trồng từ 2 giống bưởi trở lên trong đó có cây bưởi Quế Dương. Hộ phải có 2 lao động chính, chủ hộ phải tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên và yêu thích nghề làm vườn.
Sau khi Dự án được triển khai, đến nay đã có 68 hộ tham gia bảo tồn. Trong đó “Mô hình bảo tồn đa dạng giống bưởi địa phương tại cộng đồng” là 5 hộ; “Mô hình sản xuất và đăng ký thương mại bưởi Quế Dương theo hướng vietGAP” là 7 hộ; “Mô hình bảo tồn và phát triển bưởi địa phương theo hướng hàng hoá” là 55 hộ, và 1 hộ vườn. Chủ yếu các hộ gia đình trồng tại vườn nhà, mỗi gia đình khoảng 5 - 7 cây. Duy nhất có hộ vườn là ông Nguyễn Như Hảo (Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế) đã trồng thành vườn.
Ông Hảo cho biết: Dự án chỉ tập huấn kỹ thuật, và mỗi mô hình được hỗ trợ 20% vốn. Cụ thể từ khi triển khai Dự án đến nay, mỗi hộ “Mô hình sản xuất và đăng ký thương mại bưởi Quế Dương theo hướng vietGAP” được hỗ trợ 1 triệu đồng. Hộ làm “Mô hình bảo tồn đa dạng giống bưởi địa phương tại cộng đồng” được hỗ trợ 1,2 triệu đồng. Hộ trồng “Mô hình bảo tồn và phát triển bưởi địa phương theo hướng hàng hoá” được hỗ trợ 800.000 đồng. Vào tầm tháng 3 dương lịch, các cây bưởi khác đã cho ra hoa, tuy nhiên những cây bưởi Đường Quế Dương mới bắt đầu ra cành, nảy chồi non. Bưỏi chỉ được bón bằng loại phân vi sinh nên không ô nhiễm môi trường mà cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Với kinh nghiệm làm vườn nhiều năm, ông Hảo cho biết: Loại bưởi Đường Quế Dương cũng gặp sâu bệnh như các loại cây có múi khác. Sâu vẽ bùa thường gặp nhất sau khi cây ra lộc non. Ngoài ra, bệnh nhện đỏ và sâu đục thân cũng gặp nhiều. Cây bưởi Đường Quế Dương có ưu điểm phù hợp với mọi thời tiết, sức chống chịu sâu bệnh cao. Trước đây, nhân dân thường gây giống bằng cách trồng hạt, nhưng cách này lâu cho quả mà khi có quả năng suất cũng không cao. Theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Dự án, những người thực hiện đã thử nhân giống bằng cách chiết hoặc ghép mắt. Chủ yếu ghép trên gốc bưởi chua là loại cây có sức chống chịu cao phù hợp mọi loại thời tiết khắc nghiệt. Bước đầu thấy khả thi: tuy những lứa bưởi này chưa cho ra quả nhưng cây phát triển và sinh trưởng tốt, có thể đưa ra trồng trên diện tích rộng hơn.
Loại bưởi đường Quế Dương đã và đang được bảo tồn. Vậy là các nhà khoa học đã đáp ứng nguyện vọng từ lâu của các hộ dân xã Cát Quế. Đây cũng là một trong số những mục tiêu kinh tế của Đảng bộ xã đặt ra trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. Với hy vọng giữ lại giống bưởi ngon, người dân xã Cát Quế còn muốn bưởi đường Quế Dương của họ sớm được đăng ký thương hiệu trên thị trường, xứng đáng với chất lượng quả và nguồn gen quý hiếm của trái cây miền sông Đáy.
Nguyễn Thị Diệp