Chủ Nhật, 2/2/2014 11:25'(GMT+7)
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ
Phú Thọ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá
trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Hát
Xoan Phú Thọ trong năm 2014.
Tỉnh tập trung t ruyền dạy và thực hành Hát Xoan thông qua tổ chức đào tạo lớp nghệ nhân kế cận, đặc biệt là nghệ nhân trẻ, truyền dạy cho lớp trẻ trong cộng đồng các phường Xoan gốc và cán bộ văn hóa xã, phường, hạt nhân văn nghệ các câu lạc bộ dân ca trên địa bàn tỉnh. Đây là nội dung quan trọng, quyết định tính bền vững cho sự bảo tồn lâu dài của di sản Hát Xoan, đồng thời phát huy vai trò của các nghệ nhân cao tuổi đào tạo các nghệ nhân trẻ, để đến năm 2015 có thể trở thành lớp nghệ nhân kế cận các lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay làm nhiệm vụ truyền dạy cho các thế hệ sau này.
Đối với việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”, ngành văn hóa thể thao và du lịch tỉnh xây dựng Đề án, điều tra hiện trạng tại các phường Xoan gốc và các địa phương có hát Xoan lan tỏa; thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan; tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin, số liệu thu thập từ công tác điều tra, kiểm kê, đồng thời triển khai thực hiện đề án theo các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được xác định theo Công ước UNESCO và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh.
Phú Thọ triển khai nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn “Tổng tập Hát Xoan Phú Thọ”, đây sẽ là công trình khoa học đầy đủ nhất về Hát Xoan Phú Thọ, góp phần là cơ sở khoa học trong việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO đưa “Hát Xoan Phú Thọ” vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015.
Bên cạnh đó, tỉnh lập các dự án bảo quản, tu bổ, khôi phục các di tích liên quan đến Hát Xoan; sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản, kiểm kê, tư liệu hóa và số hóa các tư liệu về Hát Xoan; tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo khoa học; nghiên cứu phục hồi các lễ hội, diễn xướng, tục lệ Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương ở các phường Xoan gốc.
Phú Thọ cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan trên các phương tiện thông tin đại chúng; đặc biệt tuyên truyền, giới thiệu, cập nhật thường xuyên các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan trên Cổng Giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Theo kế hoạch đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015, tỉnh Phú Thọ yêu cầu các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết để tổ chức thực hiện các nội dung, đáp ứng yêu cầu của kế hoạch này./.
Theo TTXVN