Thứ Năm, 3/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 23/11/2010 23:15'(GMT+7)

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội

Các đại biểu tham gia hội thảo nhấn mạnh: Hà Nội là nơi tập trung đậm đặc các di sản vật thể và phi vật thể. Năm nay, nhân dịp Thủ đô tròn một nghìn tuổi, ba di sản của Hà Nội là: 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long và Lễ hội Gióng vừa được công nhận ở tầm di sản quốc tế cho thấy những giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản văn hóa của Thăng Long- Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiều di sản ở Thủ đô đang bị mai một, nhất là các di sản phi vật thể. PGS-TS Đỗ Thị Hảo (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) nhấn mạnh tình trạng các di tích đền thờ tổ nghề  hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều di tích bị hỏng hoặc xuống cấp trầm trọng.

PGS.TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản Văn hóa Việt Nam) ví von rằng hiện nay "rác rưởi trần gian đã ùa vào cõi tâm linh" để nói về tình trạng thương mại hóa, lộn xộn, thiếu hiểu biết của chính những người quản lý các đình, đền, chùa ở Hà Nội cũng như một bộ phận nhỏ người dân khi đến đây. TS Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội bức xúc về thực trạng rất nhiều di tích của Thủ đô đang được bảo tồn, trùng tu một cách cẩu thả, thiếu sự nghiên cứu, làm mất các giá trị gốc của di tích. Nhiều đại biểu cho rằng lễ hội ở Hà Nội đang bị thương mại hóa, các làng nghề đang bị mai một...

Theo các đại biểu, Thành phố Hà Nội cần có chiến lược trong việc bảo tồn và phát triển; đầu tư kinh phí song song với đầu tư nguồn nhân lực có trình độ quản lý, trình độ chuyên môn cao. PGS.TS Lê Hồng Lý- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: Nếu biết khai thác vừa phải đúng tầm thì sẽ tồn tại, còn nếu chụp giựt ăn nhanh thì sẽ chóng lụi tàn.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng ở Thủ đô đã trao đổi với các nhà nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long- Hà Nội trong quá trình hội nhập. Di sản văn hóa của ông cha ta là di sản vô cùng quí giá và nó luôn luôn đồng hành và tồn tại chung với tất cả các thế hệ. Các di sản văn hóa quí giá sẽ thuộc về thế hệ trẻ, nên thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nên xác định mình là người thừa hưởng di sản văn hóa quí giá và có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy những di sản bằng những việc làm thiết thực. TS Đặng Kim Ngọc- Giám đốc TT Văn hóa- Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh./.

- Thành Nam -
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất