Đó là nội dung hội thảo quốc tế khai mạc sáng 26-9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật Hát Then, Đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái lần thứ V năm 2015.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước, quốc tế đến từ Anh, Pháp, Malaysia, Thái Lan và chuyên gia UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể. Hội thảo đã đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam trong thời gian qua; trao đổi, thảo luận tìm ra phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc sắc này.
Theo báo cáo trình bày tại hội thảo, cuối năm 2014, Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm kê di sản Then tại 15 xã thuộc 5 huyện trong tỉnh. Còn tại Bắc Giang, việc thống kê cũng giúp tìm được 31 nghệ nhân làm Then (huyện Lục Ngạn có 11 nghệ nhân, huyện Sơn Động 9 nghệ nhân, huyện Lạng Giang có 5 nghệ nhân, huyện Yên Thế 4 nghệ nhân và huyện Lục Nam 2 nghệ nhân).
Đại diện Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ VHTTDL; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái để gìn giữ nghệ thuật Hát Then; thành lập các CLB Hát Then - Đàn Tính trên địa bàn có đồng bào Tày Nùng sinh sống; thu hút những người yêu Then tham gia để làn điệu Then lan tỏa trong đời sống cộng đồng; phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo đưa nghệ thuật hát Then, đàn tính vào giảng dạy trong các trường học, cấp học, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào Tày, Nùng cư trú…
Tại buổi hội thảo, các đại biểu tham đã được thưởng thức nghệ thuật Hát Then trong nghi lễ cúng Vía của đồng bào dân tộc Tày (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang).
Theo QĐND