Tại hội thảo, các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Quân sự, Cục Di sản văn hóa đã nghe 31 tham luận của các nhà nghiên cứu TƯ và địa phương trình bày các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Bình Than – Nguyệt Bàn. Các tham luận tập trung vào 2 chủ đề chính: Bình Than và cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông; Di tích Bình Than – bãi Nguyệt Bàn và công tác bảo tồn, phát huy giá trị.
Ngày 11/11, tại thành phố Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Sử học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Bình Than – Nguyệt Bàn, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh” nhân kỷ niệm 730 năm ngày diễn ra Hội nghị Bình Than lịch sử (1282 - 2012).
Phát biểu khai mạc hội thảo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến khẳng định: Những năm qua, việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tại các di dích trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp và nhân dân quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, trên quê hương Cao Đức vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phong phú và đặc sắc. Đó là địa hình, cảnh quan, sông nước, bến bãi, các làng xóm mang tên những địa danh như: đền Tam Phủ, bãi Nguyệt Bàn, chùa làng Bình Than, chùa Kênh Phố, chùa Phúc Khánh, các đình làng Văn Than, Bình Than, Mỹ Lộc, Kênh Phố... Đây là những nơi lưu giữ nhiều nguồn tài liệu, cổ vật quý có giá trị lịch sử - văn hóa giúp các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ thêm địa danh lịch sử liên quan đến Hội nghị Bình Than, xác định rõ địa điểm, vị trí chiến lược và tầm quan trọng của Hội nghị lịch sử này. Qua đó làm rõ vị trí và vai trò của bãi Nguyệt Bàn – Đền Tam Phủ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để làm cơ sở cho địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, truyền thống quê hương.
Tại hội thảo, các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc: Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Quân sự, Cục Di sản văn hóa đã nghe 31 tham luận của các nhà nghiên cứu TƯ và địa phương trình bày các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Bình Than – Nguyệt Bàn. Các tham luận tập trung vào 2 chủ đề chính: Bình Than và cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông; Di tích Bình Than – bãi Nguyệt Bàn và công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Các nghiên cứu đã gắn địa danh Bình Than với bối cảnh lịch sử của Quốc gia Đại Việt trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông lần thứ 2 (năm 1285), khẳng định ý nghĩa của Hội nghị Bình Than, vị trí quân sự trọng yếu của vùng sông nước Lục Đầu giang, từ những căn cứ khoa học kết hợp nghiên cứu địa danh Bình Than trong lịch sử để đưa một số ý kiến về địa điểm tổ chức hội nghị Bình Than diễn ra tháng 11 năm 1282 (tức tháng 10 năm Nhâm Ngọ), bàn về các địa danh có từ “Than” hiện còn bảo lưu trên địa bàn xã Cao Đức...
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, di tích Bình Than, Bãi Nguyệt Bàn, xã Cao Đức – Gia Bình - Bắc Ninh chính là nơi diễn ra Hội nghị Bình Than của triều nhà Trần bàn việc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông (1285)./.
TTX