Thứ Ba, 24/9/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 30/6/2016 21:32'(GMT+7)

Báo Văn nghệ Thái Nguyên: 25 năm nhiều dấu ấn

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Hội VHNT tỉnh trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi sáng tác văn học (2014-2016).

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Hội VHNT tỉnh trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi sáng tác văn học (2014-2016).

Báo Văn nghệ Thái Nguyên tiền thân là báo Văn nghệ Bắc Thái, là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, diễn đàn của những người yêu văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Kể từ khi xuất bản số đầu tiên (vào tháng 6/1991), qua 25 năm hoạt động, Báo đã có bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ chỉ phát hành mỗi tháng một kỳ, 8 trang, nay đã trở thành tuần báo (mỗi tuần một kỳ, mỗi kỳ 12 trang in màu), với số lượng phát hành mỗi kỳ hơn 4.000 tờ, đưa Thái Nguyên trở thành địa phương thứ 3 sau TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tuần báo văn nghệ.

Để Văn nghệ Thái Nguyên có được những thành công rất đỗi tự hào như vậy, đầu tiên phải kể đến sự quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ. Nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã trực tiếp động viên, chia sẻ và có những chỉ đạo cụ thể giúp Báo vượt qua khó khăn, ngày một phát triển. Từ tháng 7 năm 2010, Thường trực Tỉnh uỷ đã cho phép đặt báo Văn nghệ Thái Nguyên để cấp phát đến các chi bộ xóm, tổ dân phố nhằm phục vụ công tác tuyên truyền và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Từ tháng 10/2014 cho chủ trương xuất bản mỗi tuần một số báo in. Từ tháng 6/2015 đã cho phép và thành lập được trang thông tin điện tử tổng hợp của Báo trên mạng Internet…

Sự phát triển của báo Văn nghệ Thái Nguyên còn xuất phát từ chính nội lực của cán bộ, phóng viên Tòa soạn, của anh chị em văn nghệ sĩ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cùng đông đảo bạn đọc và cộng tác viên xa gần. Để duy trì được những trang văn học nghệ thuật đặc sắc, những trang báo ấm áp tình người suốt 25 năm qua, đã có một lượng bài vở, tác phẩm khổng lồ được gửi đến toà soạn với sự tin yêu và trông đợi.

Nhà văn Ma Trường Nguyên, nguyên Tổng Biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên tâm sự: để tờ báo phát triển, một điều rất quan trọng là công tác biên tập và xuất bản, nhưng cũng đồng thời phải biết phát hiện ra những cộng tác viên có khả năng để bồi dưỡng thành tác giả sau này. Cùng với đó, phải xác định bản sắc, thế mạnh để tạo ra nét khu biệt của Văn nghệ Thái Nguyên, đó là tờ báo của khu vực, mang đặc điểm truyền thống văn hóa của khu vực Việt Bắc, làm nó in đậm vào các tác phẩm được đăng tải trên báo…

Nhà thơ Nguyễn Thị Sáu bộc bạch về cái “duyên” đến với Văn nghệ Thái Nguyên: năm 2007, khi đó tôi chỉ là một người công nhân vệ sinh môi trường của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, nhưng lại rất yêu thơ. Bạn bè mách tôi đến chỗ Tòa soạn báo Văn nghệ Thái Nguyên. Song ngay bài viết đầu tiên tôi mang đến đã không được chấp nhận vì nó chưa đủ “thơ” trong đó. Tuy thế, tôi không hề buồn nản vì đã được các anh chị trong Tòa soạn động viên, chỉ bảo và khuyến khích tiếp tục sáng tác. Đặc biệt, tôi đã thấy được sự làm việc tỉ mỉ, nghiêm túc của những người làm công tác biên tập ở Tòa soạn... Từ đó, tôi thêm hứng thú, dần trưởng thành và đã trở thành cộng tác viên thường xuyên của Báo. Tôi chọn Văn nghệ Thái Nguyên để cộng tác và thưởng thức vì ở nơi ấy, văn học nghệ thuật thêm tỏa sáng!

Những ngày đầu gian nan đầy kỷ niệm gắn liền với công sức đóng góp không nhỏ của các văn nghệ sĩ làm báo thời bấy giờ và suốt nhiều năm sau đó, như  nhà thơ Hà Đức Toàn - Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập đầu tiên, nhà báo Lê Thế Thành - Phó Tổng biên tập, các nhà báo Dương Quốc Hải, Nguyễn Minh Hằng, Ngô Thanh Hằng, Đặng Vương Hạnh. Và một đội ngũ những cây bút chủ lực, làm nên sức sống của tờ báo trong những ngày “vạn sự khởi đầu nan” cũng đồng hành mãi về sau: Vi Hồng, Hồ Thuỷ Giang, Ma Trường Nguyên, Khánh Kiểm, Trần Văn Loa, Ba Luận, Trần Thị Vân Trung, Vũ Châu Quán, Nông Phúc Tước, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Anh Đào, Hữu Tiệp, Trịnh Trúc Lâm... Một cơ quan Hội VHNT với các anh chị từ lái xe, tạp vụ đến các lãnh đạo Hội đã lặng lẽ góp sức cho đứa con tinh thần của văn nghệ sĩ Bắc Thái theo năm tháng trưởng thành dần lên.

25 năm đã qua, cùng với những bước thăng trầm của Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, báo Văn nghệ Bắc Thái, nay là Văn nghệ Thái Nguyên đã nỗ lực tự vượt lên chính mình, để từng bước theo kịp đời sống văn học nghệ thuật của đất nước và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Với phương châm Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển; lấy điểm tựa vững chắc là truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương Thái Nguyên; với sự quý trọng và tạo mọi điều kiện về tinh thần, vật chất của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cùng các cấp các ngành; đặc biệt là những tình cảm yêu mến của văn nghệ sĩ và công chúng dành cho tờ báo, đã giúp cho báo Văn nghệ Thái Nguyên ngày càng lớn mạnh, có chỗ đứng vững vàng trong làng báo chí của cả nước.

Cùng với những gì đã làm được, Văn nghệ Thái Nguyên hiện nay cũng còn rất nhiều khó khăn. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Tổng biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên cho biết: Trong một thời kỳ mà báo chí truyền thông phát triển với tốc độ chóng mặt, thì thách thức lớn nhất là duy trì tờ báo theo kịp hơi thở cuộc sống và không bị bật ra ngoài lề đời sống báo chí hiện đại. Làm thế nào để có một chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc trong đời sống báo chí hiện nay, câu hỏi ấy tác động hàng ngày đến về việc thay đổi tư duy làm báo, chiến lược phát triển và những hành động cụ thể. Xây dựng một Tòa soạn đủ mạnh để tác nghiệp trong điều kiện mới, với những cá nhân giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đón nhận, tranh thủ những cơ hội mới mà công cuộc đổi mới, hội nhập đang tạo ra cho báo chí cũng như đời sống văn học nghệ thuật là nhiệm vụ quan trọng nhất của Văn nghệ Thái Nguyên hiện nay.

Cùng với đó, là tham gia bồi dưỡng lực lượng sáng tác; tiếp tục tham mưu với lãnh đạo tỉnh, các cơ quan hữu quan về các cơ chế chính sách phù hợp cho tờ báo phát triển trong giai đoạn mới. Chú trọng việc phát triển lượng người đọc, tăng cường quảng bá và tạo ảnh hưởng xã hội, tạo dựng vị trí xứng đáng trong đời sống - điều này rất quan trọng vì sẽ làm cho những thông tin, giá trị hữu ích mà tờ báo tạo ra dễ dàng lan tỏa và đi sâu vào đời sống công chúng hơn.

Phát huy truyền thống 25 năm đoàn kết, xây dựng và trưởng thành, tin chắc rằng, báo Văn nghệ Thái Nguyên sẽ ngày càng hay hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn, đi xa hơn nữa trên hành trình Chân - Thiện - Mỹ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, thực hiện được trách nhiệm lớn lao của mình trước Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và văn nghệ sĩ Thái Nguyên./.

Bài, ảnh: Trần Thép
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên 

  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất