Thứ Ba, 26/11/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 25/6/2016 20:8'(GMT+7)

Hơn 200 nhà văn dự Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV

Nhà Thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị ( ảnh: ĐKC)

Nhà Thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị ( ảnh: ĐKC)

Sáng 25/6/2016, tại Tam Đảo, Hội nghị Lý luận, Phê bình văn học lần thứ IV chủ đề “Văn học-30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016” (1986-2016) đã chính thức khai mạc với sự tham gia của gần 200 nhà văn, nhà lí luận – phê bình văn học (LL-PBVH) trong cả nước.

Tới dự hội nghị có đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW; PGS, TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng LL-PB VHNT TW và đại biểu nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã tới dự và đưa tin.

Mở đầu bài phát biểu Hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Hội nghị là sự nhìn lại diện mạo, khuynh hướng, tính chất, đặc điểm và những dấu ấn của tiến trình văn học đổi mới qua góc nhìn của lý luận, phê bình nhằm chỉ ra những thành tựu của đổi mới văn học với những cống hiến của nó vào đời sống tinh thần của đất nước dưới góc nhìn văn hoá học; đặc biệt là chỉ ra những yêu cầu mới, giải pháp mới nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nền văn học nước nhà, đưa đời sống văn học lên một trình độ mới cao hơn, theo hướng dân tộc, hiện đại, khoa học và hội nhập tích cực”.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do PGS, TS Phan Trọng Thưởng, Chủ tịch Hội đồng LL-PBVH Hội Nhà văn Việt Nam Khóa IX- trình bày đã nhấn mạnh: Với một cuộc hội thảo khoa học chắc chắn chúng ta không thể đặt ra và giải quyết được tất cả mọi yêu cầu. Nhưng ít nhất, từ phương diện lý luận phê bình, chúng ta cũng cố gắng làm rõ một số vấn đề có ý nghĩa học thuật, ý nghĩa phương pháp luận để tạo cơ sở cho nhận thức, nhận diện và đánh giá thực tiễn văn học 30 năm qua.

Theo đó, những vấn đề cần được tập trung thảo luận tại Hội thảo với chủ đề “Văn học-30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016” lần này là: Nhìn nhận văn học thời kỳ đổi mới như thế nào? Vấn đề nhìn nhận và đánh giá những thành tựu cũng như những hạn chế của văn học thời kỳ đổi mới? Đồng thời bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn văn học thời kỳ đổi mới…

Tại hội nghị, nhiều tham luận và ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu đã nêu bật lên một số vấn đề thời sự của đời sống văn học đương đại như: Số phận của dân tộc và nhân dân phải là mối quan tâm hàng đầu của văn học; văn học Việt Nam đổi mới trong cơ chế thị trường; tự do sáng tạo của nhà văn và tư duy đổi mới; một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây; di sản lịch sử và độ lùi thời gian; sự thay đổi điểm nhìn về chức năng văn học; vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc qua các nhân vật phía bên kia trong tiểu thuyết về chiến tranh gần đây; tiểu thuyết thời kỳ đổi mới, những bước thăng trầm v.v...

Với 11 bản tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu như: Nguyễn Văn Dân, Trần Thị Trâm, Nguyễn Hòa, Trần Văn Tuấn, Thùy Dương, Trần Nhuận Minh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú… đã khiến không khí hội nghị “nóng lên” với những cuộc thảo luận xoay quanh những vấn đề thời sự và đời sống văn học hiện nay.

Vào buổi chiều, Hội nghị tiếp tục thảo luận theo tinh thần cải tiến: Ưu tiên bàn về những vấn đề khái quát nhất; đặc biệt là chỉ ra những yêu cầu mới, giải pháp mới, nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nền văn học nước nhà; đưa đời sống văn học lên một trình độ mới cao hơn trong thời gian tới./.

Nhật Minh

 

 


 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất