Chủ Nhật, 24/11/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 6/10/2012 17:19'(GMT+7)

Bảo vệ dân chủ hay bao che phần tử chống phá?

Đặc biệt, núp dưới chiêu bài bảo vệ dân chủ, trên BBC, ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận châu Á của “tổ chức theo dõi nhân quyền - Human Rights Watch”, nói: "Tội trạng khép cho ba thanh niên công giáo để bắt giữ và kết án họ chỉ là việc họ kêu gọi người dân tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội… điều này cho thấy chính quyền đã đi quá xa khỏi các nguyên tắc cơ bản của dân chủ, như quyền của người dân được tham gia hay không tham gia bầu cử".

Để hiểu rõ sự việc, cần thiết nhắc lại rằng, trung tuần tháng 5/2011 (đúng dịp diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016), trên địa bàn nhiều xã, thị trấn của các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành... (Nghệ An), xuất hiện một số lượng lớn truyền đơn với nội dung tẩy chay bầu cử Quốc hội gây tác động xấu đến an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An... Nhận thấy đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, ngày 5/6/2011, Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, phối hợp với công an các địa phương liên quan xác lập chuyên án. Sau một thời gian, bằng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, kết hợp với thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, ngày 2/8/2011, Công an tỉnh Nghệ An quyết định bắt tạm giam đối với Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Chu Mạnh Sơn về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” để tiến hành điều tra theo quy định.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng Đậu Văn Dương, Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Đức đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2011, khi bà Lan (mẹ của Dương) bị tai nạn phải nằm viện thì được Nguyễn Văn Lý (nguyên là Linh mục thuộc Giáo phận TP Huế) gọi điện thăm hỏi và gửi một số tiền để lo thuốc men điều trị. Khoảng tháng 3/2011, Dương cùng Nguyễn Xuân Kim (ở Nghi Phú, TP Vinh), Trần Hữu Đức rủ nhau vào Huế gặp Nguyễn Văn Lý để cảm ơn. Thời gian này, Lý đã bị TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế xử phạt 8 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” nhưng đang được cho tại ngoại để chữa bệnh. Tại đây, Nguyễn Văn Lý đã vận động Dương, Kim, Đức về Nghệ An rải truyền đơn kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn. Khi chia tay, Lý cho các đối tượng tiền tàu xe và hứa sẽ gửi nhiều mẫu truyền đơn, cấp tiền để thực hiện việc chống phá nói trên…

Ngày 17/5/2011, Nguyễn Văn Lý gửi tiền và 2 mẫu truyền đơn có nội dung chống lại cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp cho Dương qua hộp thư điện tử, sau đó gửi tiếp cho Dương hơn 8 triệu đồng để mua máy in và chi phí phục vụ rải truyền đơn. Ngày 19/5/2011, Đậu Văn Dương, Nguyễn Xuân Kim, Chu Mạnh Sơn hẹn gặp nhau tại phòng trọ của Trần Hữu Đức (ở phường Hưng Phúc, TP Vinh). Tại đây, sau khi thống nhất nội dung, mẫu truyền đơn, Dương đưa 600 nghìn đồng để Kim và Sơn đi photocopy hơn 1000 bản và hẹn gặp lại nhau tại phòng trọ của Trịnh Văn Thương, tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. Đến 22 giờ ngày 19/5, Dương, Kim, Đức và Sơn cùng một số nhân vật trong tổ chức “Sinh viên Công giáo Nghệ An” tập trung tại phòng trọ của Thương để cắt các tờ giấy photocopy thành 4 mảnh theo các nội dung đã in buộc thành từng bó. Sau đó, Dương phân công các “thành viên” thành 3 nhóm đi đến các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn, Yên Thành... rải truyền đơn nhằm tẩy chay cuộc bầu cử...

Tài liệu, chứng cứ, lời khai của các bị can trong vụ án cho thấy, Đậu Văn Dương đã trực tiếp nhận sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Lý và đóng vai trò cầm đầu. Hành vi của các bị can đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” được quy định tại điểm C, khoản 1, Điều 88, Bộ luật Hình sự.

Con người ta chỉ nói ra, viết ra những gì khi có đủ chứng cứ, tài liệu để khẳng định đó là sự thật. Trong trường hợp này ông Phil Robertson đã không có được điều đó. Như vậy, người ta có thể đặt câu hỏi: Phải chăng mục đích việc làm của ông Phil Robertson không phải vì bảo vệ dân chủ, nhân quyền mà là hậu thuẫn, bao che cho những phần tử chống phá Việt Nam?

(Vũ Linh/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất