Chủ Nhật, 22/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 30/9/2012 4:7'(GMT+7)

Một số ý kiến về giải pháp nâng cao kiến thức pháp luật cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn Thanh Hoá


Tư vấn tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ. Ảnh minh họa

Trong những năm vừa qua, do nền kinh tế phát triển đa dạng, nhiều thành phần, nhiều hình thức nên nhiều loại hình các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển nhanh chóng, thu hút hàng chục vạn lao động từ nông nghiệp, nông thôn vào các DN, kể cả các DN nhà nước, DN liên doanh với nước ngoài và DN tư nhân. Riêng ngành NN- PTNT Thanh Hóá hiện có 70 đơn vị trực thuộc với 8.265 lao động công nhân viên chức là đoàn viên sinh hoạt ở 70 công đoàn cơ sở, trong đó có 28 công đoàn cơ sở khối DN với 5.824 đoàn viên và công nhân lao động

Để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, thiết thực giúp CNLĐ từng bước hình thành tác phong sinh hoạt và làm việc theo hiến pháp và pháp luật (luật và các văn bản dưới luật), trước hết là bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bình đẳng giới …. từ đó giúp cho CNLĐ có khả năng chấp hành nghĩa vụ và tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của mình.

Trong thời gian 4 năm vừa qua, công đoàn ngành NN- PTNT Thanh Hoá đã phối hợp với Liên đoàn lao động, cơ quan Tư pháp tổ chức được 18 lớp phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật cho hơn 3.000 cán bộ đoàn viên tại 16 DN có số lượng CNLĐ đông. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền giáo dục pháp luật cho 40 cán bộ cốt cán của các DN có số lượng CNLĐ ít hơn để họ có đủ trình độ và kỹ năng tự tổ chức tuyên truyền phổ biến lại cho cán bộ đoàn viên và công nhân lao động ở cơ sở. Mỗi cán bộ chủ chốt được tập huấn không chỉ có kiến thức và kỹ năng tuyên truyền giáo dục pháp luật ở cơ sở, mà còn có thể kiêm nhiệm công tác tư vấn miễn phí về pháp luật cho người có nhu cầu tư vấn tại chỗ khi bị xâm phạm về các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, giúp cho người lao động của DN không phải mất thời gian tìm đến cơ quan tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trên tỉnh hoặc huyện.

Ngoài công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật trực tiếp cho người lao động, công đoàn ngành còn phối hợp với chuyên môn và công đoàn các DN xây dựng tủ sách pháp luật ngay tại cơ sở để người lao động có điều kiện thuận lợi tìm hiều thêm về chính sách và pháp luật của nhà nước, nhất là những vấn đề có liên quan đời sống tinh thần, vật chất, đến quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân. Chọn cử các đoàn viên công đoàn tiêu biểu, có trình độ hiểu biết về kiến thức pháp luật tham gia các hội thi về tuyên truyền pháp luật do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, có tác dụng làm nòng cốt cho phong trào tìm hiểu kiến thức pháp luật ở cơ sở. Tổ chức biên soạn in ấn tờ rơi, tờ gấp tóm tắt nội dung pháp luật cấp phát đến từng người lao động để họ dễ dàng tiếp cận với pháp luật.

Bằng các biện pháp tổng hợp trên đây, đã giúp cho người sử dụng lao động (chủ DN) và người lao động nâng cao nhận thức vê pháp luật, đề cao ý thức trách nhiệm thực hiện pháp luật, tăng cường vai trò của pháp chế xã hội chủ nghĩa và tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước pháp quyền đối với các DN, góp phần phát triển kinh tế và an ninh trật tự xã hội.

Tuy nhiên, công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật cho CNLĐ tại các DN thuộc ngành NN-PTNT hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức cần được nhận thức đầy đủ để có biện pháp khắc phục, đó là:

- Hầu hết CNLĐ tại các DN của ngành NN-PTNT đều xuất thân từ nông thôn và chưa được phổ biến tuyên truyền kiến thức cơ bản về pháp luật. Hơn 70% người lao động trong các DN trên là công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông chưa có hiểu biết về pháp luật. Trong số 3.000 công nhân được phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật, thì khả năng hiểu biết pháp luật cũng vẫn còn rất khiêm tốn. Kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, nội quy DN của CNLĐ nói chung còn nhiều hạn chế. Phần lớn CNLĐ chưa hiểu rõ các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm đối với DN. Chưa biết tự bảo vệ mình trước pháp luật mỗi khi bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.

- Nhiều chủ DN ngoài nhà nước chưa được đào tạo về kiến thức pháp luật. Họ là người sử dụng lao động tại DN nhưng quá trình quản lý kinh doanh thường có nhiều vi phạm về các luật nêu trên, nhưng chế tài pháp luật chưa nghiêm, gây mâu thuẫn và bất đồng trong quan hệ giữa chủ DN và người lao động, lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật bị vi phạm khá phổ biến như: thời gian lao động trong ngày, chế độ tiền lương làm thêm giờ, chế độ nghỉ thai sản, chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, quyền tham gia các quyết định có liên quan đến lợi ích người lao động… Đây là những lỗ hổng rất lớn hiện đang tồn tại ở nhiều DN, gây nhiều thiệt hại cho người lao động. Và cũng là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ giữa chủ DN và người lao động, là cội nguồn của các cuộc đình công xảy ra.

- Các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài, đều có tổ chức công đoàn cơ sở, thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ, nhưng hiệu lực rất thấp, vì công đoàn không chủ động được vai trò của mình khi còn phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí trả lương của chủ DN. Công đoàn không thể nói khác, nói trái chủ trương của chủ DN. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người lao động hầu như chủ DN không quan tâm, do đó đa số người lao động rất ít hoặc không hiểu biết về pháp luật nhất là những luật gắn thiết than với ho. Điều đó cũng dẫn đến hệ lụy, việc chấp hành nội quy và kỷ luật lao động không tốt.

- Do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn của nền kinh tế trong nước, nhiều DN thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và trả lương cho người lao động, do đó không có kinh phí hỗ trợ cho công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công nhân viên và người lao động.

Trước tình hình trên đây, Đảng và nhà nước đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật cho công nhân viên chức nói chung và người lao động trong các DN, nhất là khu vực DN ngoài nhà nước nói riêng.

Các chủ trương của Đảng và Nhà nước đã tạo ra những thuận lợi cơ bản cho cả trước mắt và lâu dài nhằm từng bước nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho CNLĐ trong các DN. Từ thực tiễn của công đoàn ngành NN-PTNT Thanh Hóa , chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp có tính đồng bộ sau đây:

- Tổ chức Công đoàn các cấp cần nhận thức đầy đủ vai trò vị trí quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (chủ yếu là Luật Lao động, Luật công đoàn, luật Bảo hiểm xã hội - bảo hiểm y tế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khiếu nại và Tố cáo, Pháp lệnh Dân chủ….) và phải được coi là công tác thường xuyên của tổ chức công đoàn các cấp.

- Theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh và Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo tuyên truyền giáo dục pháp luật của tỉnh và ngành tư pháp, thống nhất nội dung chương trình chủ yếu và tổ chức biên soạn hệ thống tài liệu phù hợp với trình độ nhận thức của người lao động để đạt hiệu quả cao.

- Tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên ngay tại các công đoàn ngành và cơ sở, có trình độ kiến thức về pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, truyền đạt dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với người lao động. Báo cáo viên phải là người có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống liêm chính, có trách nhiệm và nhiệt tình cao để thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

- Xây dựng đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở đồng thời cũng là đội ngũ cộng tác viên làm công tác tư vấn pháp luật miễn phí tại chỗ cho công nhân lao động các DN, giúp họ biết thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với DN và biết tự bảo vệ mình theo quy định của pháp luật khi bị xâm hại về lợi ích.

- Chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của Công đoàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong thời kỳ đổi mới. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên và tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn.

- Cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho CNLĐ như huấn luyện kỹ năng tuyên truyền miệng, tổ chức các hội thi tìm hiểu chính sách và pháp luật của nhà nước, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà người lao động có nhiều quan tâm, hoặc tổ chức phổ biến pháp luật qua hệ thống truyền thanh của doanh nghiệp. Biên soạn các tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ như hình thức tờ gấp, tờ rơi theo kinh nghiệm của một số nơi đã làm có hiệu quả. Từ đó mà giúp cho người lao động nắm được pháp luật, nắm được các nội dung cơ bản về các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật trước khi giao kết hợp đồng lao động với chủ DN- chủ sở hữu lao động.

- Đối với các DN ngoài nhà nước , DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN tư nhân, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có cơ chế tài chính cho tổ chức công đoàn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nếu không, tổ chức công đoàn ở đây vẫn chỉ là hình thức, làm theo và nói theo, không có tiếng nói riêng cho người lao động. Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp. Nếu chỉ hô hào chung chung, không có nguồn lực thì mọi chủ trương và mục tiêu sẽ không thể thực hiện có kết quả

- Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần kết hợp hài hoà giữa công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”để phát huy vai trò gương mẫu của đông đảo cán bộ đảng viên, đoàn viên công đoàn các cấp và người CNLĐ trong các DN tích cực tham gia học tập nâng cao hiểu biết về pháp luật.

Với nguyện vọng mong muốn, mỗi cán bộ đoàn viên công đoàn, mỗi người CNLĐ trong các DN, dù là DN nhà nước hay ngoài nhà nước đều được tuyên truyền phổ biến và giáo dục nâng cao hiểu biết về pháp luật để cùng chung một lý tưởng: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” để đóng góp được nhiều nhất và tốt nhất cho sự nghiệp CNH-HĐH của nước nhà.

Khương Bá Luận

Chủ tịch CĐ Công ty TNHH một thành viên

Thuỷ nông Sông chu-Thanh Hoá

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất