Thứ Hai, 4/11/2024
Dân số và phát triển
Thứ Sáu, 27/4/2018 14:35'(GMT+7)

Phát hiện sớm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập, phát huy được năng lực nổi trội

Phát hiện sớm khi con chưa bị rối loạn tâm lý

Bé T (2 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) có biểu hiện không giống những đứa trẻ cùng độ tuổi. Ở nhà, bé chỉ chơi một mình, không tương tác với bố mẹ, bố mẹ gọi hoặc đi làm về con không thể hiện cảm xúc vui mừng. Bố mẹ bé T quan sát, thấy con thích chơi một mình với những đồ chơi đơn giản nhưng không đúng chức năng, công dụng của đồ chơi... Con cũng rất hứng thú với Ipad, smart phone hay tivi…

 

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ và các rối loạn liên quan tại Trung tâm Tự kỷ Hoàng Đức (Đồng Nai). Ảnh: T.V

 

Chị V.N, mẹ bé T cho biết: “Ở lớp, cô giáo xếp con vào dạng “ngoan” vì con chỉ ngồi yên một góc, ít chơi cùng các bạn. Tuy nhiên ngôn ngữ của con phát triển rất chậm. 2 tuổi nhưng con chưa nói được, chưa biết đáp ứng những yêu cầu cá nhân hàng ngày”. May mắn, vợ chồng chị V.N đã đưa con đến khám sớm và được các bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT), Bệnh viện Bạch Mai thăm khám và điều trị. Qua khám lâm sàng và trắc nghiệm tâm lý theo thang đánh giá tự kỷ của Viện SKTT, bé T được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ở mức độ vừa. Do bé được phát hiện sớm, chưa có rối loạn tâm lý kèm theo nên không phải sử dụng thuốc. Biện pháp điều trị là bác sĩ tâm lý kết hợp với giáo viên giáo dục đặc biệt.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay hội chứng tự kỷ ảnh hưởng tới khoảng 70 triệu người trên toàn thế giới, trung bình cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ. Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người tự kỷ và có khoảng 80% số người tự kỷ trưởng thành không có việc làm, phải sống phụ thuộc do chưa được phát hiện và hỗ trợ sớm.

Nhiều trẻ được phát hiện mắc tự kỷ ngay từ khi sinh ra, nhưng thông thường các biểu hiện nêu trên của trẻ tự kỷ sẽ xuất hiện trong 3 năm đầu đời. Ban đầu, trẻ sẽ phát triển bình thường nhưng sau đó các biểu hiện của bệnh sẽ dần dần bộc lộ, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 18 - 36 tháng tuổi.

Kết luận ban đầu của hầu hết các nghiên cứu cho thấy, tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển bẩm sinh. Điều này có nghĩa là, từ khi sinh ra, trẻ đã có những biểu hiện của hội chứng này, hoặc trẻ có tiềm ẩn chứng tự kỷ từ bên trong, đến độ tuổi nào đó (thường từ 2-3 tuổi) mới bắt đầu biểu hiện ra. Nhưng nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến tự kỷ đến thời điểm hiện tại vẫn là một dấu hỏi lớn đối với nền khoa học y tế.

Những triệu chứng không thể bỏ qua

Theo ThS.BS Lê Công Thiện, Viện SKTT, rối loạn tự kỷ (từng được gọi là tự kỷ sớm ở trẻ nhỏ, tự kỷ ở trẻ em hoặc là tự kỷ Kanner) được đặc trưng bởi các triệu chứng từ ba nhóm sau: Những bất thường ở chất lượng tương tác xã hội, bất thường trong việc giao tiếp, các mô hình hành vi hoặc các mối quan tâm bị thu hẹp, rập khuôn và lặp lại.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tự kỷ có nhiều đặc điểm đa dạng từ mức nhẹ đến nặng. Những trẻ mắc chứng tự kỷ thường có khó khăn trong giao tiếp với người khác: Trẻ không cười, không nhìn vào mắt người đối diện, không có tương tác với người chăm sóc, không bò hoặc đi đến người chăm sóc để được bế. Trẻ nói những từ, ngữ không có nghĩa, hay gầm gừ, có sự lặp lại không ngừng một từ hay một câu vô nghĩa. Trẻ như điếc, mặc dù thính lực bình thường (giật mình khi có tiếng động). Có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại như lắc lư người ra phía trước và phía sau, đập đầu, giữ khư khư một đồ vật, bật tắt công tắc liên tục, chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác liên tục… Những trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường bị ám ảnh với những vật cá biệt hay những hành vi đặc biệt, tập trung vào chúng mà không quan tâm đến những việc khác xung quanh. Trẻ cũng ít hứng thú và ít hoạt động; không phát triển được hoạt động chơi mang tính sáng tạo, ví dụ như trò chơi đóng vai “Chúng ta hãy giả vờ là…”, theo cách mà những trẻ khác thường chơi.

Việc chơi của trẻ tự kỷ thường cứng nhắc rập khuôn: Xoay bánh xe ô tô thay vì cho xe chạy, ít chơi với bạn hoặc với anh chị em trong nhà… Trẻ tự kỷ cũng khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh hoặc những công việc, diễn biến thường diễn ra hàng ngày. Trẻ tự kỷ cứng nhắc trong tư duy, vì vậy gặp khó khăn để hiểu và tự điều chỉnh khi có sự thay đổi. Ví dụ, trẻ sẽ chỉ đi theo một con đường nhất định để về nhà hoặc đến trường..., chơi xếp hình chỉ theo cách riêng của mình, chỉ ăn một thức ăn nhất định. Nếu thay đổi cách khác với trẻ, lập tức trẻ phản ứng mạnh mẽ (la khóc, cào cấu, đập đầu…) để chống lại sự thay đổi.

Điều trị sớm giúp trẻ hòa nhập, phát triển tài năng đặc biệt

Theo thống kê của các cơ sở y tế, nhất là các khoa tâm bệnh của Nhi khoa, số trẻ đến khám và chẩn đoán về tự kỷ đang tăng với cấp số nhân, năm sau cao hơn năm trước. Riêng Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã được Bộ Y tế cho phép thành lập Khoa Tự kỷ từ năm 2013. ThS.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị liệt vận động ngôn ngữ trẻ em (1 trong 4 khoa thuộc khối Nhi đang điều trị bệnh tự kỷ), Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: Hàng năm, Bệnh viện thu nhận hơn 1.000 lượt trẻ điều trị tự kỷ. Thực tế trong 5 năm qua, số lượng bệnh nhi đến điều trị ngày một tăng. Trung bình mỗi ngày, chỉ riêng khối Nhi của bệnh viện tiếp nhận điều trị cho hơn 100 trẻ tự kỷ.

Các bác sĩ chuyên khoa khẳng định, tự kỷ là một hội chứng, không lây lan từ người này sang người khác. Hiện nay, chưa có thuốc chữa hội chứng này, tuy nhiên, nếu trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện và can thiệp sớm thì vẫn có thể phát triển tương đối bình thường, hòa nhập được với cộng đồng. Trẻ cũng có “những vùng phát triển khả năng đặc biệt”. Một số trẻ tự kỷ tổn thương nặng ở nhiều khả năng nhưng họ cũng có thể thể hiện được những tài năng như trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, toán và cơ khí. Các dấu hiệu của chứng tự kỷ thường xuất hiện sớm từ những năm đầu đời, nhưng đôi khi chúng cũng xuất hiện sau một số tháng phát triển bình thường. Với trường hợp nặng hơn, các biện pháp can thiệp chỉ có thể giúp trẻ ổn định và biết cách giao tiếp hơn.

Hội chứng tự kỷ dễ bị nhầm với tình trạng chậm nói, chậm phát triển hay một số bệnh khác như khuyết tật thính giác, hội chứng mất ngôn ngữ dạng động kinh… Do đó, nhiều cha mẹ đã không phát hiện sớm và đưa trẻ đến bệnh viện điều trị.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo: Để xác định chính xác trẻ có bị tự kỷ không, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám và tư vấn các bác sĩ chuyên ngành, không nên tự mình đưa ra kết luận vội vàng, hoang mang, áp lực gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và gia đình.

Theo BS Lê Công Thiện, để phát hiện sớm trẻ mắc chứng tự kỷ, cần dựa vào 5 dấu hiệu sau:

- Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu hiệu vào khoảng 12 tháng.

- Không biết nói từ đơn khi 16 tháng.

- Không biết đáp lại khi được gọi tên.

- Không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng.

- Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào./.

Theo giadinh.net.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất