Thứ Năm, 5/12/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, 5/5/2013 21:51'(GMT+7)

Bảo vệ và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác

C. Mác. (Ảnh tư liệu).

C. Mác. (Ảnh tư liệu).

1. Ngày 5/5/1818, tại thành phố Tơ-ri-ơ, trong gia đình luật sư Hen-rích Mác (Heinrich Marx), C.Mác (Karl Marx) đã được sinh ra, để rồi sau này trở thành lãnh tụ vĩ đại và thiên tài của giai cấp công nhân thế giới, một vĩ nhân của nhân loại. Theo C.Mác, động lực thúc đẩy sự vận động của lịch sử không phải là sức mạnh siêu tự nhiên, cũng không phải là những tư tưởng hay ý chí của con người, của các vĩ nhân, mà chính là sản xuất vật chất, là những lợi ích vật chất và chính quần chúng nhân dân mới là những người sáng tạo chân chính ra lịch sử của mình. Không thỏa mãn với các cách giải thích khác nhau về lịch sử xã hội loài người của những người đi trước, C.Mác kiên trì tìm tòi và đã khám phá ra những câu trả lời khoa học đích thực. Chủ nghĩa duy vật lịch sử; học thuyết giá trị thặng dư; và trên cơ sở đó, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - "những điều bí ẩn", "chủ thể" và "chìa khóa" đích thực của lịch sử - là những sáng tạo vĩ đại của C.Mác.

Sáng tạo khoa học vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người là mệnh lệnh của con tim và khối óc, trở thành lẽ sống, niềm tin và hạnh phúc lớn lao của cả cuộc đời C.Mác. Trong quá trình hoạt động sáng tạo khoa học, C.Mác luôn đấu tranh kiên quyết với các trào lưu tư tưởng, l‎ý luận đối lập, thù địch để bảo vệ và phát triển hệ thống quan điểm l‎ý luận của mình. Mỗi phát kiến khoa học, mỗi sự ra đời của một quan điểm, luận điểm, một nguyên l‎ý l‎ý luận và trong mỗi tác phẩm, mỗi bài viết của C.Mác đều mang đậm dấu ấn đấu tranh tư tưởng, l‎ý luận và là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh ấy.   

Hoạt động l‎ý luận và thực tiễn sôi nổi của C.Mác những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XIX đã làm thay đổi căn bản thế giới quan của ông: Từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Với tác phẩm Gia đình thần thánh, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hê-ghen trẻ, thực chất phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, nêu lên vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. C.Mác đã tự đặt cho mình việc đề xuất một học thuyết cách mạng mới, cùng với Ph.Ăng-ghen viết tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, tiếp tục phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hê-ghen, phái Hê-ghen trẻ và L.Phoi-ơ-bắc. Trong bài Thông tri chống Cri-ghê năm 1846, C.Mác đã đấu tranh phê phán những kẻ muốn “biến chủ nghĩa cộng sản thành những lời mê sảng về tình yêu”(1).

Một l‎‎ý do quan trọng của sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được C.Mác nêu lên là bởi: “Tất cả những thế lực của châu Âu cũ: Giáo hoàng và Nga hoàng, Mét-téc-ních và Ghi-do, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hiệp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó”(2), bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Vì thế, phải có một Tuyên ngôn để “đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”(3). C.Mác đã phê phán kịch liệt các trào lưu xã hội chủ nghĩa phi mác xít, Ông gọi chủ nghĩa xã hội phong kiến là “một mớ hỗn độn những lời ai oán và những lời mỉa mai, dư âm của dĩ vãng và tiếng đe dọa của tương lai”(4); chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản “vừa là phản động vừa là không tưởng”; chủ nghĩa xã hội tư sản là “chỉ kêu gọi giai cấp vô sản bám lấy xã hội hiện đại nhưng phải bỏ hết quan niệm thù hằn của họ đối với xã hội ấy”(5). Trong cuốn Phê phán cương lĩnh Gô-ta viết năm 1875, C.Mác đã kịch liệt phê phán những sai lầm cơ hội chủ nghĩa của những người lãnh đạo Đảng xã hội dân chủ Đức, nêu lên một vấn đề hết sức quan trọng về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản và hai giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản: Giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội, giai đoạn cao là chủ nghĩa cộng sản…

Hệ thống quan điểm, luận điểm khoa học của C.Mác là kết quả của một quá trình nghiên cứu, đấu tranh phê phán, tiếp thu và vượt bỏ những thiên tài trước ông; của sự khái quát lý luận và tổng kết thực tiễn sôi động thế giới lúc bấy giờ; và của sự đấu tranh phê phán các tư tưởng chống đối, phản khoa học. Tinh thần và nhiệt huyết sáng tạo khoa học, ý chí đấu tranh cách mạng của C.Mác, cũng như những luận điểm l‎ý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác đã được V.I.Lênin kế thừa, vận dụng, bảo vệ và phát triển sáng tạo trong điều kiện lịch sử mới. Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời, phát triển trong những hoàn cảnh và sự phát triển lô gích - lịch sử ấy.

2. Biện chứng sự phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra rằng, trong quá trình phát triển của nó luôn phải đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng thù địch, sai trái dưới mọi màu sắc và mọi hình thức biểu hiện. Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa Mác-Lênin đã từng là đề tài của những cuốn sách, bài báo với mục đích chung là "chứng minh" về “cái chết” của chủ nghĩa Mác-Lênin, “sự cáo chung” của chủ nghĩa cộng sản dựa trên học thuyết Mác. Các thế lực thù địch ra sức lợi dụng sự sụp đổ đó; lợi dụng những khó khăn và hạn chế trong cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa; sự phát triển, “điều chỉnh” thích nghi của chủ nghĩa tư bản hiện đại... để hạ bệ chủ nghĩa Mác-Lênin. Những phát kiến khoa học vĩ đại của C.Mác và nhiều luận điểm cơ bản của học thuyết Mác đã và đang bị các thế lực thù địch tiến công từ nhiều phía. Các thế lực thù địch đã và đang câu kết với nhau thành "một liên minh thần thánh” để “trừ khử” chủ nghĩa Mác-Lênin, để xóa bỏ không phải là “một bóng ma” mà là “trừ khử” một tồn tại khách quan, một hiện thực lịch sử - chủ nghĩa xã hội hiện thực.

C.Mác không phải là “nhà xã hội duy tâm, siêu hình và không tưởng”; học thuyết Mác tuyệt nhiên không phải là những "ảo tưởng chủ quan", "ý thức hệ hư ảo”, không phải là "duy ý chí" như người ta đã cố tình gán ghép, xuyên tạc. Sự đổ vỡ một mảng lớn chủ nghĩa xã hội hiện thực không đồng nghĩa với “sự cáo chung” của học thuyết cách mạng và khoa học. Giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác chính là ở bản chất cách mạng và khoa học, ở sự chân xác về khoa học, ở tính toàn diện, hệ thống, biện chứng của nó nhằm giải phóng con người, giải phóng xã hội thoát khỏi mọi áp bức bóc lột, mọi sự tha hóa, thực hiện một xã hội công bằng, nhân đạo, vì con người. Chủ nghĩa Mác vẫn sống mãi cùng nhân loại. Giá trị và sức hấp dẫn của nó vẫn lan tỏa và ngày càng ăn sâu trong đời sống nhân loại.

Mới đây, trong khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, chính từ phương Tây người ta lại thấy có những tiếng nói về giá trị của học thuyết Mác, phong trào trở về với Mác, tìm đọc Mác. Bộ Tư bản của C.Mác đã trở thành đầu sách bán chạy ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại Pháp, Đức, Anh, Italia... Năm 2008, Nhà xuất bản Karl-Dietz-Verlag ở Béc-lin (Đức) bán được 1.500 cuốn Tư bản, tăng 3 lần so với cả năm 2007, tăng 100 lần so với năm 1990. Nhà xuất bản Newton-Compton ở Italia bán được 5.000 bộ Tư bản và tiếp tục in thêm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng nằm trong danh sách những cuốn sách chính trị bán chạy nhất ở Tây Âu. Đầu năm 2009, bộ Tư bản của C.Mác trở thành "hiện tượng đặc biệt" trên thị trường sách của Hàn Quốc và Nhật Bản. Trên sách báo thế giới tràn ngập những bài bình luận và nghiên cứu tư tưởng Mác của rất nhiều nhà khoa học thuộc các trường phái và ở những quốc gia khác nhau.

3. Theo tinh thần của C.Mác, đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái là cuộc đấu tranh không khoan nhượng; đấu tranh để bảo vệ, đấu tranh để phát triển. Đó là quy luật. C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin, trong cuộc đời hoạt động của mình, đã liên tục phát triển quan điểm lý luận trong quá trình đấu tranh tư tưởng, lý luận. Trong thời kỳ mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động"(7). Đây là sự thể hiện, là kết quả của sự trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo; đồng thời là sự thể hiện, là kết quả của quá trình đấu tranh bảo vệ, phát triển "nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam" ấy của Đảng ta hơn tám thập kỷ qua.

Bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, yêu cầu của việc dựa trên "nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam" ấy đòi hỏi chúng ta trong đấu tranh tư tưởng, l‎‎ý luận phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân; phải nắm bắt được tinh thần cách mạng, bản chất khoa học, linh hồn sống và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặt nó trên “mảnh đất hiện thực” đương đại, bổ sung cho nó những “cơ sở lịch sử”, những hiện thực tươi mới. Có như thế, mới có thể tạo ra sự đột phá mới, mới không những bảo vệ được chủ nghĩa Mác-Lênin, làm thất bại, phá sản các trào lưu tư tưởng, lý luận phản động, thù địch dưới mọi màu sắc của các “liên minh thần thánh”, mà còn có thể phát triển sáng tạo, bổ sung và làm gia tăng sức sống cho chủ nghĩa Mác-Lênin./.

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hưởng

_________________________


(1) (2) (3) (4) (5) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1994, t. 4, tr. 11; 595; 595; 630; 638

(6) Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. CTQG, H, 2007, tr. 92.

(7)ánCVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 88.



(Nguồn: QĐND)

 







Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất