Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 25/2/2013 13:43'(GMT+7)

Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và tính tiền phong của người cộng sản

C. Mác và Ph. Ăng-ghen.

C. Mác và Ph. Ăng-ghen.

Cách đây 165 năm, C. Mác và Ph. Ăng-ghen chính thức công bố trước toàn thế giới Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do các ông soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Đồng minh những người cộng sản. Tuyên ngôn đã “công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, ý đồ” của những người cộng sản, đồng thời “đập lại một câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản" ở châu Âu mà các thế lực chống đối rêu rao. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là cương lĩnh chính trị, kim chỉ nam cho hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là tác phẩm lý luận tổng kết quá trình hình thành chủ nghĩa Mác, trình bày những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, thế giới quan khoa học của giai cấp vô sản; là cột mốc đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác với sự hoàn bị của ba bộ phận hợp thành: Triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao. Trong Tuyên ngôn, những vấn đề về mục tiêu, lực lượng, điều kiện, phương thức đấu tranh cách mạng và cách thức tổ chức xã hội mới nhằm giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột, đưa con người đến cuộc sống tự do, hạnh phúc và phát triển toàn diện đã được chỉ rõ. Tuyên ngôn là ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. V.I. Lê-nin đánh giá, cuốn sách nhỏ ấy (Tuyên ngôn) có “giá trị bằng hàng bộ sách”, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn “cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và chiến đấu trong thế giới văn minh”.

165 năm qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã trải qua nhiều thử thách với những thay đổi và cả biến cố lớn lao, có nhiều vấn đề rất mới về lý? luận và thực tiễn đặt ra cần giải quyết, nhưng những nguyên lý cơ bản mà C. Mác và Ph. Ăng-ghen trình bày trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn tỏ rõ sức sống mãnh liệt, còn nguyên giá trị. Đến nay, chủ nghĩa xã hội hiện thực - sản phẩm trực tiếp của những tư tưởng của Tuyên ngôn, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đang ở thập kỷ thứ mười của sự phát triển với những bước thăng trầm và cả tổn thất nặng nề, để rồi hiện nay một số nước tiếp tục hành trình trên con đường xây dựng xã hội mới, nỗ lực tạo cho chủ nghĩa xã hội hiện thực một diện mạo mới năng động và sáng tạo. Nhiều học giả có uy tín khoa học lớn trên thế giới vẫn xem C. Mác là nhà tư tưởng, nhà khoa học xã hội, nhân văn lớn của nhân loại. Trong thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, trong suy thoái, khủng khoảng kinh tế, tài chính, nợ công ở châu Âu và một số nước tư bản, người ta thấy xuất hiện nhiều tiếng nói từ nước phương Tây đánh giá những giá trị của Tuyên ngôn, của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác; xuất hiện phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc các tác phẩm của Mác.

Hiện thực sinh động đó cho thấy giá trị và sức sống bất diệt của Tuyên ngôn, của chủ nghĩa Mác với tính cách là cương lĩnh chính trị, là học thuyết cách mạng và khoa học. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chủ nghĩa Mác không hề lạc hậu, không hề lỗi thời, nó vẫn là cơ sở khoa học, phương pháp luận cho việc luận giải các vấn đề cơ bản của thời đại; là kim chỉ nam, ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới trên con đường đi tới tương lai xã hội chủ nghĩa.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, vấn đề về Đảng Cộng sản được C. Mác và Ph. Ăng-ghen đặc biệt quan tâm. Các ông đã trình bày một cách rõ ràng về tính tất yếu, khái niệm, tính chất, vai trò, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản và của những người cộng sản đối với phong trào công nhân, đối với cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Tính tiền phong, tiên tiến của những người cộng sản được trình bày cụ thể, với yêu cầu họ phải là bộ phận “kiên quyết nhất” và “hơn” bộ phận còn lại của giai cấp vô sản trên nhiều phương diện: “Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên, về mặt lý luận họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả của phong trào vô sản”1.

Những tư tưởng của Tuyên ngôn về Đảng Cộng sản, về tính tiền phong, tiên tiến của những người cộng sản có ý nghĩa rất quan trọng về lý luận và thực tiễn, vẫn giữ nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự, nhất là đối với chúng ta hiện nay.

Công cuộc đổi mới chấn hưng đất nước trong bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu rất cao đối với mọi đảng viên về tính tiền phong, gương mẫu, đặc biệt là đảng viên cấp cao; đảng viên giữ chức vụ càng cao thì yêu cầu về tính tiền phong, tiên tiến, sự gương mẫu càng lớn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”2.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng nhấn mạnh phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”3. Đây là quyết tâm chính trị lớn “khó vẫn phải làm”, chúng ta đã và đang làm, vì nó “liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần nhìn nhận một cách đầy đủ và thấu đáo hơn tầm quan trọng của vấn đề tiền phong, tiên tiến của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ cấp cao đối với uy tín và sự lãnh đạo của Đảng. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội phụ thuộc quyết định vào bản thân Đảng, vào tính tiền phong, tiên tiến của mọi đảng viên được nêu cao như thế nào. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ cấp cao không nêu cao tính tiền phong, tiên tiến trong rèn luyện đạo đức, lối sống, cả trong đấu tranh phê bình, tự phê bình, thì việc đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng không thể đạt kết quả mong muốn.

Tính tiền phong, tiên tiến của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới là toàn diện cả về lý luận và thực tiễn, cả về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống. Tính tiền phong, tiên tiến đó phải luôn luôn được phát huy và nêu cao trong mọi lúc, mọi nơi, trong tổ chức, xã hội và đối với gia đình, nơi cư trú, trong cả lời nói và việc làm. Không thể nói là tiền phong, tiên tiến, nếu cán bộ, đảng viên không “hơn” bộ phận còn lại về lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn, không “hiểu rõ những điều kiện, tiến trình” của công việc, của sự nghiệp cách mạng, suy thoái về đạo đức, lối sống; hoặc chỉ thuyết giáo và yêu cầu mọi người hãy chấp hành pháp luật, còn mình thì “đứng ngoài cuộc”, nói một đằng làm một nẻo, tìm cách che giấu khuyết điểm, để cho vợ con, người thân lợi dụng làm những việc trái pháp luật, bất lương, bất chính. Để tính tiền phong, tiên tiến của cán bộ, đảng viên được phát huy không thể hô hào chung chung, mà cần có những điều kiện, cơ chế nhất định, cần định kỳ “lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của đảng viên”4 một cách thực sự.

Chủ nghĩa Mác chính thức ra đời từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố, trong suốt gần hai thế kỷ qua nó đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến nhận thức của loài người và tiến trình lịch sử nhân loại. Cần khẳng định rằng, có chủ nghĩa Mác thì mới có chủ nghĩa Lê-nin, mới có Cách mạng Tháng Mười Nga; và có chủ nghĩa Lê-nin, có Cách mạng Tháng Mười thì mới có cách mạng Việt Nam với những thắng lợi vĩ đại và huy hoàng trong thế kỷ XX và tiếp tục phát triển trong thế kỷ XXI.

Thông điệp từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nhắc nhở chúng ta rằng, hiện nay chúng ta càng cần phải ra sức chăm lo xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, thực sự là Đảng của “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”5 như V.I. Lê-nin chỉ rõ, là “đạo đức, văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định. Những đảng viên cộng sản, đặc biệt đảng viên là cán bộ cấp cao phải thực sự “kiên quyết nhất”, phải “tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình”, phải “hơn” bộ phận còn lại, “hơn” quần chúng nhân dân và phát huy cái “hơn” đó trong thực tiễn, thì mới có thể “thúc đẩy” được sự nghiệp đổi mới đất nước tiến lên./.

PGS. TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG
Viện KHXHNVQS - Bộ Quốc phòng


__________________________


1 C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 610.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 26.

4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 258.

5 V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 34, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 122.


(Nguồn: QĐND)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất