Theo thông tin chính thức Cơ quan CSĐT cung cấp cho Cổng TTĐT Chính phủ hôm nay, thực hiện ủy thác tư pháp của Viện Công tố Tokyo, Nhật Bản, qua xác minh thu thập tài liệu, ngày 8/12/2008, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 9/2/2009, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ và ông Lê Quả về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281, Bộ Luật Hình sự.
Đồng thời, cùng ngày 9/2/2009, Cơ quan CSĐT đã ra lệnh bắt tạm giam hai bị can trên để điều tra. Lệnh này được thực hiện vào chiều nay (11/2)
Đại diện Cơ quan CSĐT, Thiếu tướng Triệu Văn Đạt cho biết, kết quả điều tra cụ thể sẽ được thông báo chi tiết khi có kết luận điều tra và mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thông tấn, báo chí để cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ, ông Phan Quang Phương, Trưởng Phòng 2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C37), cho biết, tối nay, các bị can sẽ được di lý từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Diễn biến sự việc
Dự án Đại lộ Đông Tây TP.Hồ Chí Minh được khởi công từ ngày 31/1/2005 với tổng chiều dài 21,890km đường giao thông, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 9.864 tỷ đồng. Dự án cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh hiện cũng đang được triển khai với tổng mức đầu tư 4.163 tỷ đồng. Cả hai dự án đều do Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố quản lý dưới sự điều hành của nguyên Giám đốc Huỳnh Ngọc Sỹ. Công ty Tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI), Nhật Bản là đơn vị tư vấn của 2 dự án này.
Ngày 11/11/2008, trong phiên điều trần đầu tiên tại Tòa án quận Tokyo (Nhật Bản), các công tố viên cho hay các bị cáo là quan chức PCI đã thừa nhận đưa hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sỹ tổng cộng 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng, để được ưu đãi trong các hợp đồng tư vấn giai đoạn 2001-2003.
Ngay sau khi báo chí Nhật Bản đưa tin về việc đưa và nhận hối lộ có liên quan đến một số cán bộ của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao liên hệ với phía Nhật để đề nghị chuyển hồ sơ, đồng thời yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận, xử lý, làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó theo quy định của pháp luật. Cơ quan cảnh sát điều tra đã thành lập Ban chuyên án và tiến hành điều tra vụ việc.
Ngày 19/11/2008, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 663/QĐ-UBND tạm đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan điều tra xem xét kết luận vấn đề liên quan đến ông Sỹ được nêu trong vụ việc của Công ty PCI.
Ngày 15/12/2008, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đã có lệnh cấm ông Huỳnh Ngọc Sỹ xuất cảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phía Cục C37 điều tra nghi án đưa và nhận hối lộ.
Ngày 8/12/2008, Cục C 37 đã có Quyết định số 04/C37(P6) khởi tố vụ án hình sự tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ xảy ra từ năm 2003 - 2006 tại Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP. Hồ Chí Minh.
Cuối tháng 1/2009, báo chí Nhật Bản đưa tin, tòa án ở Nhật đã ra phán quyết trong vụ xét xử các cựu quan chức của Công ty PCI tội hối lộ một quan chức Việt Nam. Theo đó, ba bị cáo nguyên là Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty PCI và Trưởng văn phòng đại diện PCI tại Hà Nội đều bị án treo.
Và ngày 11/2/2009, lệnh khởi tố và bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sỹ được thực hiện.
Hôm nay, tiếp Đại sứ hữu nghị đặc biệt Việt - Nhật, đồng thời là Đại sứ thiện chí Nhật - Việt Sugi Ryotaro, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh quan điểm: Việt Nam quyết tâm làm rõ vấn đề, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không để một vụ việc cụ thể nào làm ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Theo Đức Tuân - Minh Hằng (Cổng thông tin CP)