Trong cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ chiều nay (11/2), ông Trần Văn Truyền khẳng định, trên 11 nghìn tỷ đồng là sai phạm của các đơn vị trên trong ba năm. Nếu tổng hợp toàn ngành thuế, con số sai phạm sẽ lớn hơn nhiều.
Các sai phạm chủ yếu là nợ đọng thuế kéo dài, áp mã thuế ở mức thấp, gây thiệt hại cho Nhà nước. Theo ông Truyền, việc xử lý nợ thuế, hoàn thuế cũng là hai lĩnh vực đang có nhiều thiếu sót, đặc biệt là hiện tượng hoàn thuế không đúng thủ tục và đối tượng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, nhiều đơn vị trích kinh phí để lại không hợp lý, chi đầu tư không đúng mục đích và đối tượng. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ ba vụ việc có mức độ nghiêm trọng.
Đó là việc trốn thuế của Tập đoàn Mai Linh Đông Bắc Bộ trong sử dụng một số khu đất, với số tiền trị giá khoảng 3 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp ngân hàng tài chính kê khai thuế chưa đúng, với số tiền 10 tỷ đồng; Công ty giấy Trường Xuân trốn thuế 3 tỷ đồng.
Sẽ thanh tra Khu đô thị Phú Mỹ Hưng
Ông Trần Văn Truyền cho biết, trong năm nay, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc cổ phần hóa tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam và Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam.
Năm ngoái, Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra cổ phần hóa ở một số doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Truyền, sai phạm chủ yếu là việc chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, phổ biến tình trạng đánh giá chưa đúng, chưa tốt và chưa hết tài sản khi cổ phần. Bên cạnh đó là các sai phạm trong việc bán cổ phần cho người lao động, chuyển nhượng và đầu tư tràn lan sau khi cổ phần hóa. Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp các sai phạm để trình Thủ tướng.
Cũng trong năm nay, Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện thanh tra việc quản lý sử dụng đất ở một số địa phương, khu công nghiệp, khu đô thị, trong đó có Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Tổng Thanh tra lưu ý: “Không phải thấy Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng có sai phạm thanh tra mới vào, tinh thần là thanh tra vào xem đơn vị đó đã chấp hành chính sách pháp luật như thế nào, đúng hay sai”.
Ông Trần Văn Truyền cho biết thêm, từ nay đến hết tháng 3, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.
Về việc kê khai tài sản, thu nhập chậm trễ của các bộ, ngành địa phương, giải pháp mà Thanh tra Chính phủ đưa ra là tới đây, nơi nào làm chưa tốt, Thanh tra Chính phủ sẽ cử cán bộ đến tận nơi làm việc cùng với bộ, ngành, địa phương đó.
Theo thống kê đến thời điểm này, mới có 19 cơ quan ở Trung ương và 10 địa phương báo cáo đã thực hiện xong việc kê khai lần đầu, cả nước hiện mới có 36.427 cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai với tổng số 394.987 người đã kê khai. Thủ tướng đã phê bình các bộ, ngành, địa phương chậm trễ.
Về công tác phòng chống tham nhũng, ông Truyền cho biết, các bộ ngành đang đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ. Tuy nhiên, việc luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để chống cục bộ vẫn còn rất hạn chế.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng vừa qua, Thủ tướng đã đánh giá, tham nhũng vẫn còn phức tạp ở ba lĩnh vực quan trọng là đất đai, thuế và đầu tư công.
Về diễn biến xử lý các sai phạm trong vụ PCI, ông Truyền cho hay, các cơ quan chức năng mới công bố quyết định tạm giữ ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng chỉ làm nhiệm vụ đốc thúc tiến trình xử lý. |
(Theo VietNamNet)