Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 31/3/2019 15:56'(GMT+7)

Bắt tay trong nghi ngại

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 3 nhà lãnh đạo quan trọng nhất châu Âu hôm 26/3. (Ảnh: Reuters)

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 3 nhà lãnh đạo quan trọng nhất châu Âu hôm 26/3. (Ảnh: Reuters)

Cuộc hội đàm diễn ra hôm 26/3 giữa 3 nhà lãnh đạo quyền lực nhất của EU với Chủ tịch Tập Cận Bình là minh chứng cho thực tế này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ rõ sự thận trọng khi đề nghị Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng đón Chủ tịch Trung Quốc tại điện Elysée. Có lẽ người đi đầu thúc đẩy chính sách cứng rắn của EU đối với Bắc Kinh muốn dùng hành động cụ thể để thể hiện chiến lược mới của khối. Đó là xây dựng cách tiếp cận tập thể, thay vì từng nước riêng rẽ với Trung Quốc.

Không quá khó để hiểu nguyên nhân dẫn đến sự thận trọng này. Bởi hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc sau Mỹ, với trung bình kim ngạch thương mại song phương hơn một tỷ USD mỗi ngày.

Xây dựng một chính sách thống nhất về quan hệ với Bắc Kinh là vấn đề quan trọng đối với Brussels. Nhưng thực tế đã cho thấy một số quốc gia thành viên EU đang lựa chọn những lối đi riêng trong cách tiếp cận với Trung Quốc, thay vì đường đi chung của khối.

Một ví dụ đơn giản là Italy. Quốc gia hình chiếc ủng vừa chính thức đặt bút ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác với Trung Quốc, trở thành nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đầu tiên tham gia Sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI), bất chấp sự phản đối của nhiều nước châu Âu và Mỹ.

Việc thu hút được Italy, nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tham gia BRI, có thể coi là một thành công với Trung Quốc, mở cánh cửa để Bắc Kinh tiến sâu vào châu Âu. Tuy nhiên, nó cũng dẫn tới mối lo ngại về sự gia tăng chia rẽ giữa các nước thành viên EU, bởi lâu nay EU vẫn chỉ trích BRI chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho các công ty của Trung Quốc và có khả năng tạo nên các “bẫy nợ” ở những nước nghèo.

Thế nên, chuyến công du châu Âu của nhà lãnh đạo Trung Quốc ngoài nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy mối quan hệ với EU, còn là cơ hội để Bắc Kinh gỡ bỏ dần những mối quan ngại từ phía đối tác thông qua bước đi cụ thể về “con đường hai chiều có đi có lại” trong quan hệ thương mại EU-Trung Quốc.

Lâu nay, EU vẫn cho rằng tốc độ mở cửa của nền kinh tế có quy mô đứng thứ hai thế giới là chậm chạp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự mất cân đối trong cán cân thương mại giữa hai bên, khiến EU đang phải chịu mức thâm hụt khổng lồ, tới 184 tỷ euro năm 2018, tăng liên tục kể từ nhiều năm trở lại đây. Trong khi doanh nghiệp Trung Quốc được tự do tiếp cận gần như toàn bộ thị trường mua sắm công châu Âu lên tới 2.400 tỷ euro, thì doanh nghiệp châu Âu chỉ được tham gia vào các gói thầu trị giá vẻn vẹn 10 tỷ euro. Các ngân hàng Trung Quốc được phép tham gia vào thị trường tài chính châu Âu, trong khi theo công bố của báo giới Trung Quốc, thời gian tới, Tập đoàn Tài chính Internationale Nederlanden Groep của Hà Lan lần đầu tiên được phép trở thành cổ đông chi phối một ngân hàng cổ phần Trung Quốc.

Chưa kể nhiều nước EU lo ngại nguồn vốn Trung Quốc chảy ồ ạt vào châu Âu, đặc biệt là khu vực Đông Âu, có thể trao cho Bắc Kinh công cụ để gây ảnh hưởng tới chính sách của khối. Ngoài ra, những tranh cãi xung quanh vấn đề an ninh thông tin, thậm chí an ninh quốc gia nếu cho phép tập đoàn Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại châu Âu cũng là một trong những lực cản đối với sự phát triển của mối quan hệ EU-Trung Quốc.

Trong bối cảnh EU đang rối như tơ vò trước “mớ bòng bong” Brexit, các nhà lãnh đạo khối càng tỏ ra đề phòng hơn với cách tiếp cận song phương của Trung Quốc với các nước riêng lẻ trong EU. Vừa qua Hội đồng châu Âu đã thông qua bản thông cáo chung, đưa ra 10 biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc nhưng đồng thời văn kiện này cũng lần đầu tiên coi Trung Quốc là “đối thủ trực tiếp” và “cạnh tranh chiến lược” của EU. Điều này cho thấy dù cái bắt tay giữa EU và Trung Quốc xuất phát từ những lợi ích của cả hai phía, song nó vẫn mang đầy mối nghi ngại khó có thể khỏa lấp trong một sớm một chiều./.

Ngọc Thư (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất