Những gì đang diễn ra trên chính trường Pháp thời gian qua cho thấy các
đảng phái chính trị lớn ở Pháp đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng sâu
sắc.
Mỗi kỳ bầu cử Tổng thống luôn vẽ lại bức
tranh và tương quan chính trị của nước Pháp và năm 2012 cũng không phải
ngoại lệ. Thất bại năm đó đẩy cánh hữu vào một cuộc đấu đá nội bộ khốc
liệt, giữa các nhân vật như Francois Fillon và Jean Francois Copé, rồi
tiếp đến khi ông Nicolas Sarkozy quay trở lại, các phe phái cánh hữu
càng chia rẽ mạnh hơn.
Hậu quả, như
chúng ta thấy, là một lượng lớn các cử tri cánh hữu đã quay sang ủng hộ
các tư tưởng cực đoan của Mặt trận quốc gia, đảng phái vẫn tự cho mình
thuộc về cánh hữu, và góp phần khiến Mặt trận quốc gia thăng tiến không
ngừng.
Bên phía cánh tả
Pháp, sự chia rẽ cũng xuất hiện và trở nên trầm trọng hơn do một nhiệm
kỳ điều hành thất bại của chính quyền Pháp dưới thời Tổng thống Francois
Hollande.
Những chính sách
kinh tế gây tranh cãi như Luật Macron, Luật lao động El-Khomri hay các
luật khác như hôn nhân đồng tính, tức là luật Taubira, rồi dự luật tước
quốc tịch Pháp đối với các phần tử khủng bố có hai quốc tịch.... đều tạo
nên những chia rẽ rất lớn trong nội bộ cánh tả, làm xuất hiện cả một
nhóm “nổi loạn” trong Nghị viện mà một thành viên tiêu biểu của nhóm này
là Benoit Hamon lại vừa chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ cánh tả.
Nhìn chung, những
bất ngờ đến với chính trường Pháp thời gian qua có nguyên nhân chính là
sự khủng hoảng, nếu không muốn nói là thất bại, của các đảng phái lớn
truyền thống ở cả cánh hữu lẫn cánh tả, trong việc thu hút và tạo niềm
tin nơi cử tri.
Chính tâm lý quá
thất vọng của các cử tri Pháp với tình hình kinh tế u ám, an ninh bất
ổn, cũng như chính trường đấu đá liên miên... đã là điều kiện tạo nên
những bất ngờ khó lường trong thời gian qua.
Không có gì chắc chắn
Cho đến lúc này,
mọi dự đoán về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 đều là đến từ
các cuộc thăm dò dư luận, tức là không chính thức và cũng không phải là
yếu tố quá chắc chắn, nếu chúng ta nhìn vào bài học Brexit hay bầu cử
Tổng thống Mỹ thời gian qua.
Đây là điều cần
phải nói rõ bởi trong gần 3 tháng tới, tất cả mọi kịch bản đều có thể
xảy ra và nhìn vào diễn biến khó lường trên chính trường Pháp thời gian
qua thì có thể thấy là mọi việc thay đổi rất nhanh.
Tất nhiên, vào
thời điểm này bà Marine Le Pen của Mặt trận quốc gia và ông Emmanuel
Macron, ứng cử viên tự do, đang là các ứng cử viên hàng đầu, chủ yếu nhờ
sự sụt giảm do scandal của ông Francois Fillon.
Nếu tương quan
này được duy trì đến cuối cuộc bầu cử thì chúng ta sẽ có kịch bản như
sau: bà Marine Le Pen dẫn đầu vòng 1, ông Macron đứng thứ 2. Nhưng tại
vòng 2, ông Macron sẽ chiến thắng áp đảo bà Marine Le Pen bởi khi đó hầu
như tất cả các lực lượng chính trị và xã hội Pháp sẽ tìm cách ngăn chặn
một ứng cử viên cực hữu lên làm Tổng thống.
Nhưng, cho đến
lúc này đây vẫn chỉ là giả thuyết còn việc bà Marine Le Pen và ông
Macron có duy trì được ưu thế dẫn đầu hay không là việc rất khó dự đoán
bởi các ứng cử viên như ông Francois Fillon hay kể cả ông Benoit Hamon
của cánh tả cũng đều đang ráo riết vận động tranh cử và tập hợp lực
lượng.
Giống như việc
ông Fillon được coi là chắc thắng cách đây hơn 1 tháng nhưng giờ bị tụt
dốc không phanh vì scandal, không có gì có thể chắc chắn trên chính
trường Pháp vào lúc này.
- sẽ quyết định chung cuộc
Về cơ bản, mối
quan tâm lớn nhất của cử tri Pháp vẫn là vấn đề kinh tế. Làm sao tạo
thêm công ăn việc làm, lấy lại tăng trưởng cho nước Pháp… là chủ đề được
cử tri Pháp quan tâm nhất, sau đó mới đến chuyện an ninh, khủng bố, dân
nhập cư, hay quan hệ với Liên minh châu Âu… Vì thế, ứng cử viên nào có
một chương trình tranh cử thuyết phục về các chính sách kinh tế thì ứng
cử viên đó sẽ có cơ hội bứt phá.
Chính vì lí do
này nên nhiều nhà phân tích chính trị Pháp nhận định, cơ hội cho ông
Francois Fillon trở lại vị trí dẫn đầu vẫn còn bất chấp scandal bởi
trong số các ứng cử viên thì cho đến lúc này ông Fillon được cho là
người đã đưa ra các đề xuất cải cách kinh tế có tính khả thi và lập luận
chặt chẽ nhất.
Trong khi đó, bà
Marine Le Pen thì vừa công bố chương trình hành động gồm 144 điểm nhưng
các quyết sách kinh tế lại bị đánh giá thấp bởi ít khả thi và mang nhiều
rủi ro.
Ẩn số lớn nhất
lúc này là ứng cử viên Emmanuel Macron. Ông Macron bản thân là một nhà
kinh tế xuất sắc, là cựu Bộ trưởng kinh tế nên lĩnh vực kinh tế được coi
là thế mạnh nổi trội của ông Macron so với các đối thủ khác. Tuy nhiên,
đến lúc này thì ông Macron vẫn chưa công bố chương trình hành động kinh
tế cụ thể của mình để thuyết phục cử tri.
Vì thế, trong
thời gian nước rút sắp tới, ngoại trừ những biến cố ngoài dự đoán, thì
ứng cử viên nào có chương trình hành động kinh tế thuyết phục nhất thì
sẽ có khả năng lôi kéo được nhiều cử tri Pháp nhất./.
Theo VOVnews