Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 6/2/2017 21:39'(GMT+7)

Tổng thống Trump và sắc lệnh gây tranh cãi

Người dân Mỹ biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh của ông Trump tại sân bay quốc tế San Francisco ở bang California ngày 28/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân Mỹ biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người tị nạn nhập cảnh của ông Trump tại sân bay quốc tế San Francisco ở bang California ngày 28/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sắc lệnh gây tranh cãi 

Sắc lệnh được ông Trump ký ngày 27/1 này mang tên “Bảo vệ quốc gia khỏi khủng bố nước ngoài xâm nhập vào Mỹ”, được cho là một khởi đầu để ông Trump thực hiện cam kết thắt chặt kiểm soát biên giới và ngăn chặn một số nhóm người tị nạn vào nước Mỹ. Theo đó, sắc lệnh cấm tất cả mọi người từ một số quốc gia được cho là dễ bắt nguồn của các phần tử khủng bố nhập cảnh vào nước Mỹ trong 90 ngày, đình chỉ Chương trình Tiếp nhận người tị nạn của Mỹ trong 120 ngày và chương trình này chỉ được khôi phục với công dân các quốc gia mà nội các của ông Trump có thể xác minh lý lịch rõ ràng. 

Các quốc gia bị ảnh hưởng gồm Iran, Iraq, Syria, Sudan, Libya, Yemen và Somalia. Tổng số người tị nạn được tiếp nhận vào Mỹ cũng sẽ bị hạn chế trong năm tài khóa 2017 ở mức 50.000 người, giảm hơn một nửa so với mức hiện tại là 110.000 người. Sắc lệnh cũng sẽ hủy Chương trình Miễn phỏng vấn Thị thực từng được áp dụng với những người liên tục tới Mỹ. Những người này sẽ không được miễn phỏng vấn khi xin thị thực mới. 

Về lý do ký sắc lệnh trên, ông Trump nói trong lễ ký tại Lầu Năm Góc: “Tôi thiết lập các biện pháp xét duyệt lý lịch mới để ngăn khủng bố Hồi giáo cực đoan vào nước Mỹ. Chúng ta không muốn chúng ở đây… Chúng ta muốn đảm bảo rằng không tiếp nhận chính những mối đe dọa mà binh sĩ chúng ta đang chống lại ở nước ngoài. Chúng ta chỉ muốn tiếp nhận những người sẽ ủng hộ đất nước và yêu mến nhân dân chúng ta”.  

Làn sóng chỉ trích 


Sắc lệnh của ông Trump về người tị nạn là điều mà Nhà Trắng đã cân nhắc nhiều ngày. Bản thân ông Trump cũng đã nghiền ngẫm tài liệu trước khi đặt bút ký. Tuy nhiên, khi vừa được ban hành, sắc lệnh đã châm ngòi tranh cãi khắp nơi. 

Phe Dân chủ đã chỉ trích động thái của ông Trump, nói rằng sắc lệnh dù không cấm toàn bộ người Hồi giáo vào Mỹ nhưng nó vẫn mang tính phân biệt đối xử. Thượng nghị sĩ Dân chủ Kamala Harris ra tuyên bố: “Đừng mắc sai lầm. Đây là một lệnh cấm người Hồi giáo. Nước mắt đang chảy trên má tượng Nữ thần Tự do tối nay, biểu tượng lớn của nước Mỹ về tinh thần chào đón người di cư”. Ông gọi đây là một trong những “sắc lệnh hành pháp lạc hậu và xấu xa nhất mà tổng thống từng ban hành”.

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ coi hành động của ông Trump là “lối nói hoa mỹ của việc phân biệt đối xử với người Hồi giáo”. 

Biểu tình, hỗn loạn đã xảy ra ở nhiều nơi trên nước Mỹ để phản đối sắc lệnh, đáng chú ý là các cuộc biểu tình ở khu vực tượng Nữ thần Tự do và các sân bay quốc tế - nơi nhiều hành khách bị giam giữ tạm thời sau sắc lệnh cấm nhập cảnh. 

Dư luận quốc tế cũng chỉ trích sắc lệnh của ông Trump. Lãnh đạo Anh và Đức cùng các đồng minh khác của Mỹ đã bày tỏ sự giận dữ, thất vọng. Thậm chí, có một đơn kiến nghị trên trang web của quốc hội Anh thu hút hàng trăm nghìn người ký, theo đó ủng hộ cấm ông Trump vào Anh dù đã được mời gặp Nữ hoàng Elizabeth II. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi ông Trump bãi bỏ sắc lệnh, hi vọng rằng lệnh cấm nhập cư này chỉ là tạm thời và Mỹ sẽ tiếp tục truyền thống bảo vệ người tị nạn. 

Trước tình hình căng thẳng trên, thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer ngày 31/1 đã liên tục bác bỏ rằng sắc lệnh hành pháp của ông Trump là một “lệnh cấm”. Tại cuộc họp báo hàng ngày, ông Spicer nói: “Lệnh cấm nghĩa là mọi người không thể vào được và chúng ta rõ ràng đã thấy hàng trăm nghìn người từ các nước khác đã vào đất nước chúng ta”. Theo ông Spicer, báo chí đã hiểu sai sắc lệnh và suy diễn thành lệnh cấm. 

Theo các nhà ủng hộ quyền dân sự, tự do tôn giáo, người tị nạn và người nhập cư, quyết định của ông Trump là không công bằng, không cần thiết và thậm chí còn có hại. Ông Vincenzo Bove, phó giáo sư chính trị Đại học Warwick (Anh), tác giả của nghiên cứu năm 2016 khẳng định không có liên hệ giữa người tị nạn và khủng bố, nói: “Nếu chủ nghĩa khủng bố và phát triển kinh tế thực sự liên quan tới nhau, thì chỉ là ở chỗ càng nhiều người nhập cư, cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố sẽ giảm”. 

Tờ HuffingtonPost dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng sắc lệnh của ông Trump có thể làm tổn hại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ vì sẽ ảnh hưởng tới liên minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông, thậm chí có thể khiến Mỹ rơi vào bẫy của các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo./.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, gần 800.000 người tị nạn đã vào Mỹ từ vụ khủng bố 11/9/2001 nhưng chưa đầy 20 người bị bắt với cáo buộc khủng bố. Theo phân tích của tờ New York Times năm 2015, một nửa số vụ tấn công khủng bố ở Mỹ từ ngày 11/9/2001 là do người sinh ra ở Mỹ thực hiện. 

Thùy Dương (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất