Các phương tiện truyền thông Italy đã phân tích kỹ lưỡng các ứng cử viên
chính và các chương trình tương ứng của họ trong những tuần vừa qua,
nhấn mạnh những điểm mạnh và điểm yếu tiềm ẩn của họ.
Cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác ở châu Âu, truyền thông
Italy đã phân tích nguyên do cho sự nổi lên của bốn ứng cử viên hàng
đầu, trong đó hai người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và hai người
cam kết với sự hội nhập châu Âu.
Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy ứng cử viên trung hữu Emmanuel Macron,
ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon
và ứng cử viên cực tả Jean-Luc Melenchon là những ứng cử viên có triển
vọng đắc cử.
Bên cạnh mối đe dọa khủng bố gia tăng lên sau vụ tấn công tại đại lộ
Champs-Elysee ở Paris trước thềm bầu cử, thái độ chia rẽ đối với các vấn
đề liên quan đến EU được coi là một nhân tố quyết định có thể ảnh hưởng
đến kết quả cuối cùng.
Theo ông Edoardo Novelli, nhà xã hội học và giáo sư truyền thông chính
trị tại Đại học Rome III, tác động của kết quả bầu cử có thể sẽ vượt ra
khỏi biên giới Pháp.
Ông nói với Tân Hoa xã rằng: "Có hai khía cạnh chính gây chú ý trong
chiến dịch này của Pháp. Thứ nhất, cuộc bầu cử được Italy và các nước
khác xem như là một phép thử quan trọng đối với làn sóng chống châu Âu
gần đây và cho sự nổi lên của các phong trào cực hữu tại châu lục này."
"Thứ hai, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh có một loạt các cuộc bầu cử
(trên toàn thế giới), mà rất nhiều trong số đó mang lại kết quả bất
ngờ, bắt đầu với cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU, tiếp đó
là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử."
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Cuộc bầu cử của Pháp có thể ảnh hưởng trực
tiếp đến tư tưởng chính trị tại những nước châu Âu khác, trong đó có
Italy"./.
Theo TTXVN