Ứng cử viên Qatar, ông Hammad bin Al-Kawari tiếp tục giành vị trí đứng
đầu với 20 phiếu, theo sau là các ứng cử viên Audrey Azoulay của Pháp
với 13 phiếu và Moushira Khattab của Ai Cập với 12 phiếu. Như vậy, cũng
như vòng 1, không có ứng cử viên nào đạt được đa số quá bán (30/58
phiếu) trong vòng 2 và Hội đồng chấp hành sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng 3
vào cuối buổi họp chiều 11/10.
Nhiều báo chí phương Tây đã đánh giá cuộc bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO
nhiệm kỳ 2017 – 2021 thực sự là một "trận chiến khốc liệt". Vòng 2 tiếp
tục là vòng quan trọng để các nước đẩy mạnh vận động. Các cuộc tiếp xúc,
vận động ráo riết liên tục, quyết liệt với cường độ cao hơn hẳn đã diễn
ra từ sáng sớm đến tận trước giờ bỏ phiếu. Các nước có ứng cử viên đều
đẩy mạnh vận động để giành giật từng lá phiếu của các nước thành viên
Hội đồng chấp hành, kể cả các nước là đối thủ của mình trong "cuộc đua".
Báo
chí Pháp cũng không đặt nhiều hy vọng vào ứng cử viên của nước mình. Từ
vòng 1, cựu Bộ trưởng Văn hóa Audrey Azoulay đã không giành được số
phiếu như mong muốn và luôn đứng ở vị trí thứ 2 sau ứng cử viên đến từ
thế giới Arab. Tuy vậy, Pháp vẫn ráo riết chạy đua để giành được phần
thắng ở những vòng sau, với hy vọng nhận được nhiều hơn nữa sự ủng hộ
của châu Phi và của chính phương Tây.
Trong lịch sử bầu cử Tổng
Giám đốc UNESCO, đây là lần đầu tiên Hội đồng chấp hành đồng ý công khai
kết quả của từng vòng bỏ phiếu. Điều này càng làm tăng thêm tính cạnh
tranh cũng những lời "đồn thổi" xung quanh từng ứng cử viên. Dư luận
hiện nay đang tập trung vào các ứng cử viên Arab, khu vực chưa từng có
người nào trúng cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất của tổ chức UNESCO.
Đại
diện của Qatar đã bắt đầu xúc tiến việc vận động từ cách đây hai năm
rưỡi. Nhờ nguồn lực tài chính dồi dào của đất nước dầu mỏ, ông đã đến
rất nhiều nước trong Hội đồng chấp hành. Tuy nhiên, chiến thắng của ông
vẫn còn rất xa. Liệu ông có đạt được số phiếu cần thiết hay không trong
bối cảnh Qatar đang trong cuộc khủng hoảng khu vực với Saudi Arabia, Các
tiểu vương quốc Arập thống nhất và với chính Ai Cập. Hơn nữa, bản thân
các quốc gia Arab còn có những sự lựa chọn khác như ứng cử viên của Ai
Cập và Liban.
Trong vòng bỏ phiếu thứ 2 này, ứng cử viên Phạm
Sanh Châu của Việt Nam giành thêm được 3 phiếu, đưa tổng số phiếu của
mình lên 5 phiếu, ngang bằng với số phiếu của Qian Tang người Trung
Quốc, trong khi ứng cử viên Vera El Khoury của Liban chỉ đạt được 3
phiếu và Azerbaijan đã quyết định rút lui ngay trước giờ bỏ phiếu vòng
2.
Tuy vậy, kết quả này chưa phản ánh đúng thực tế và cũng chưa
phải là quan điểm cuối cùng của các quốc gia trong Hội đồng chấp hành.
Các cuộc thăm dò và vân động hành lang vẫn tiếp tục, cuộc "rượt đuổi" lá
phiếu chưa bước vào hồi kết.
TTXVN