Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,
kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng Bảy vừa qua ước đạt 592 triệu
USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay ước đạt 3,41 tỷ USD, tăng
0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm đến 20,5%
tổng kim ngạch. Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị
trường Mỹ đạt hơn 609 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu
sang Trung Quốc, ASEAN và Brazil cũng có sự tăng trưởng đáng kể với mức tăng
tương ứng đạt 27,7%, 11,8% và 76,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Tuy nhiên,
xuất khẩu thủy sản lại sụt giảm ở các thị trường như EU (giảm 7,8%), Nhật Bản
(giảm 1,3%), Hàn Quốc (giảm 19,5%)... Nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng
suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, các quy định về kỹ thuật và thuế quan tại các
thị trường nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc đang là rào cản khiến cho cánh cửa
vào thị trường này bị thu hẹp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Nguyễn Huy Điền cho biết vấn đề cần nhất hiện nay là các doanh nghiệp thủy sản
phải đặc biệt chú ý đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là yếu tố quan
trọng hàng đầu trong hoạt động xuất khẩu thủy sản. Lượng có thể giảm, nhưng chất
cần phải tăng - đó là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp hội nhập.
Các
chuyên gia trong ngành nhận định rằng xuất khẩu thủy sản sẽ tăng trưởng
nhanh trong những tháng cuối năm bởi theo thông lệ, các nhà nhập khẩu sẽ
chuẩn bị hàng cho dịp Giáng sinh và năm mới; đồng thời, sản lượng cung
cấp cho các nhà máy chế biến cũng được tăng thêm.
Tổng cục
Thủy sản cho biết tổng sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu
tấn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sản lượng khai thác ước
đạt 1,5 triệu tấn, tăng 5,2%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 1,78 triệu tấn, tăng
0,4%.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình
hình thời tiết nắng ấm kéo dài đã tạo thuận lợi cho bà con ngư dân đánh bắt và
có thời gian bám ngư trường dài hơn. Thêm vào đó, một số tỉnh có phương tiện
đánh bắt tăng hơn về số lượng và công suất máy nên sản lượng khai thác tháng 7
tăng khá, góp phần đưa sản lượng thủy sản khai thác 7 tháng đầu năm tăng
theo./.
Thúy Hiền
(TTXVN)