Phát biểu bế mạc Hội nghị,
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội nghị lần này nhằm thực hiện
kết luận của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất, thực hiện cho được chủ
trương rất quan trọng của Đảng, Nhà nước được nêu trong Văn kiện Đại hội
Đảng lần thứ XIII về gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực
hiện pháp luật, đảm bảo cho hệ thống pháp luật được thực hiện một cách
công bằng, nghiêm minh. Tại Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ
chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, đảm bảo thượng tôn
Hiến pháp và pháp luật.
"CẨM NANG" ĐỂ TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC THỰC THI PHÁP LUẬT
Hội nghị nghe hai báo cáo trung tâm, đầy đủ, khái quát của Phó Chủ tịch
Nguyễn Khắc Định và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Các đại biểu cơ bản đồng tình thống nhất đánh giá cao hai báo cáo này;
thống kê đầy đủ hơn 400 nội dung chi tiết gắn với từng tổ chức, đơn vị,
cơ quan và thời hạn để quy định chi tiết các luật và nghị quyết là một
"kỳ công". Đây là một "cẩm nang" để cơ quan hữu quan tăng cường đôn đốc
việc tổ chức, thực thi pháp luật. Ngoài ra có 12 báo cáo, tham luận phát
biểu minh họa thêm vào báo cáo trung tâm; đều đưa ra những ý kiến, kiến
nghị, giải pháp rất cụ thể, hữu ích để cho các cơ quan của Quốc hội,
các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu.
Sau Hội nghị này, Kết luận chính thức sẽ được phát hành, làm căn cứ cho
các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm
sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức thực hiện.
Căn cứ kết quả Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội khát quát và tóm lược 1 số điểm chính.
Tại kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua 9
Luật, 11 Nghị quyết quan trọng có tác động sâu rộng tới xã hội và chính
sách kinh tế vĩ mô của đất nước, không chỉ có ý nghĩa đối với việc thực
hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của năm 2024, năm 2025 mà còn
có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong các giai đoạn tiếp theo. Đặc
biệt, với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã hoàn thành 1
trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng bậc nhất của cả nhiệm kỳ.
Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp
bất thường lần thứ 5 đã quy định những vấn đề căn bản về đất đai, nhà ở,
kinh doanh bất động sản, tài nguyên nước, viễn thông, các tổ chức tín
dụng, vấn đề căn cước, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ
sở, quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, thí điểm 1 số
chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, áp dụng thuế
thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn thuế tối thiểu
toàn cầu và một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương
trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, dự toán
ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cho đến nay, chất lượng các luật, nghị quyết, kể cả Luật Đất đai (sửa
đổi) sau khi được ban hành bước đầu nhận được sự đồng thuận, đánh giá
cao của nhân dân, cử tri, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh
nghiệp trong và ngoài nước…
Cho rằng đây mới chỉ là bước đầu, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến vai
trò của các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức thực thi các luật, nghị
quyết này.
GÓP PHẦN GIẢI PHÓNG NHỮNG VƯỚNG MẮC, "ĐIỂM NGHẼN"
Chủ tịch Quốc hội cho biết, khối lượng công việc cần tiếp tục thực
hiện là rất lớn, với gần 400 nội dung, đặc biệt là Luật Đất đai với hơn
100 nội dung, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ, có nội dung áp dụng
luôn từ 1/4/2024; cả 3 đạo luật lớn là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật
Kinh doanh bất động sản đều có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 nên đòi
hỏi tất cả các văn bản quy định chi tiết phải được ban hành đồng bộ, vừa
quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới
theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan.
Để triển khai hiệu quả công tác thi hành pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số yêu cầu trọng tâm.
Cụ thể, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội
dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề
phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ
chức, đại biểu Quốc hội; phân công cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý
kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan về
việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét,
thảo luận trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan của Quốc hội chủ động
theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về
triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; sớm ban hành
Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được
Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ
quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành.
Cùng với đó là tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành
luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện
bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn
bản quy định chi tiết đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực
cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ
thống văn bản pháp luật, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết các luật
có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật
Kinh doanh bất động sản..., không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc,
điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, "giấy phép con" trái quy định
trong tổ chức thực hiện.
Chính phủ chú ý các chính sách, quy định mới, có hiệu lực sớm hơn so
với hiệu lực chung của luật; quy định chi tiết, hướng dẫn triển khai đối
với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện thông
suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý. Tiếp tục rà soát các
văn bản dưới luật có liên quan đến các quy định mới của luật, nghị quyết
để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành theo thẩm quyền,
bảo đảm phù hợp và đồng bộ với các luật, nghị quyết được thông qua.
Cùng với đó là tăng cường công tác quán triệt,
tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật,
nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các
cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy
định.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong
công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách
nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội
ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa,
phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi
tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong thi hành pháp luật;
khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách
nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức. Chú trọng tổ chức đối thoại
với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát
sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện
cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất
là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị
quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng
tại địa phương, cơ quan mình.
Chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát
sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết; kịp thời
báo cáo, đề xuất phương án đối với những vấn đề có vướng mắc để cơ quan
có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung
quy định trong trường hợp cần thiết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong bài viết "Tự hào và
tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt
Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" nhân kỷ niệm 94
năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đã nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả
việc thực thi pháp luật. Theo đó, "cần tập trung ưu tiên ban hành đồng
bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình
công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ
thống chính trị".
Trên cơ sở thành công của Hội nghị lần thứ nhất và Hội nghị lần thứ hai
này, "chúng ta cần phải có nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm lớn hơn nữa,
trách nhiệm hơn nữa, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa nhằm sớm đưa
các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống. Tôi mong muốn và tin rằng
những vấn đề được trao đổi tại Hội nghị sẽ trở thành bài học kinh nghiệm
quý, những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị
quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp. Qua đó, để công tác triển khai
thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng được sự kỳ
vọng của cử tri và nhân dân, cùng với công tác xây dựng hoàn thiện hệ
thống pháp luật nhằm góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
vững mạnh", Chủ tịch Quốc hội nêu./.
TTXVN