Sáng 11/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên
họp thứ 20 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sau 1,5 ngày làm việc
tích cực khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương
trình Phiên họp thứ 20 để tập trung cho ý kiến về ba dự án luật, một dự
thảo nghị quyết và các nội dung khác.
Các nội dung đã có kết luận cụ thể, sẽ được gửi thông báo đến các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Đối với ba dự án luật gồm Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng,
Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, hiện vẫn còn một số vấn đề còn
có ý kiến khác nhau và là những vấn đề mới và khó, Chủ tịch Quốc hội đề
nghị các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo và các
cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội và các ý kiến tại phiên họp này, cũng như tiếp tục xin ý
kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn chỉnh dự án luật gửi đến
các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến tại địa phương;
đồng thời sẽ trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
cho ý kiến vào tháng 4/2018.
Sau khi xem xét tờ trình của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội đã thống nhất không ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước mà giao
cho Kiểm toán Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để
tiến hành tổng kết thực tiễn, đánh giá việc thực hiện Luật, đề xuất
những nội dung cần sửa đổi để bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước và trình
Quốc hội xem xét, đảm bảo việc sửa đổi được toàn diện và đúng quy định.
Về điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn
2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự
án Hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước
Kroong Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ
chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện hai dự
án này về việc xem xét phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo đúng
quy định của pháp luật; đồng thời rà soát tất cả các dự án thủy lợi khác
có đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ để báo cáo tổng thể với Ủy ban
Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, bảo đảm hoàn thành sớm để sử dụng
có hiệu quả các công trình này.
Sau khi nghe báo cáo về công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho khai mạc Hội
nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương
(APPF-26) vào ngày 18/1 tới, nhất trí các nội dung và hướng phân công,
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chỉ còn mấy ngày nữa là đến Hội nghị, đề
nghị các đơn vị triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo để đảm bảo cho thành
công hoạt động ngoại giao nghị viện lớn nhất trong năm nay.
Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Mở đầu phiên họp buổi sáng, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý
kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành
chính-kinh tế đặc biệt.
Bên cạnh việc thảo luận để lựa chọn phương án tổ chức chính quyền hiệu
quả, các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính-kinh tế
đặc biệt, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập nhiều đến việc
xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị tổ chức chính quyền ở
đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt theo hướng có cả Hội đồng Nhân dân và
Ủy ban Nhân dân. Tuy nhiên, cần tăng thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân, giảm tính tập thể. Cùng với đó, ông Hà Ngọc Chiến cho rằng
phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, tránh lặp lại những
bài học về việc không có cơ chế giám sát quyền lực chặt chẽ, đủ mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nghiêng về phương án
tổ chức đồng thời Hội đồng nhân dân đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt
(gọi tắt là Hội đồng đặc khu), Ủy ban nhân dân đơn vị hành chính-kinh tế
đặc biệt (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) và hội đồng tư vấn.
Người đứng đầu Ủy ban đặc khu có thể gọi là Trưởng đặc khu. Về cơ chế
kiểm soát quyền lực, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị tổ chức hội đồng tư vấn
như một cơ quan phản biện với Trưởng đặc khu. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn
hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu
quan điểm phải xây dựng quy trình xử lý Trưởng đặc khu một cách rõ ràng
để phòng ngừa rủi ro...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tinh thần chung là mong
muốn xây dựng mô hình đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có tổ chức gọn
nhẹ, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực, không vi hiến,
không trái nghị quyết của Trung ương, đồng thời bảo đảm cho sự phát
triển.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị
hành chính-kinh tế đặc biệt. Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã
phối hợp với cơ quan soạn thảo khẩn trương tiến hành các công việc để
phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, tổ chức tọa đàm nhằm lấy ý
kiến các chuyên gia, nhà khoa học về một số nội dung lớn của dự án Luật;
đồng thời, tích cực nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đề xuất hai
phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc
biệt. Qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến
phát biểu tán thành với Phương án 1 (không tổ chức Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà thực hiện
thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Thủ tướng Chính
phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định
và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế-xã hội
trên địa bàn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt); một số ý kiến tán
thành với Phương án 2 (tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính
kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân); một số ý
kiến khác đề nghị xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm
của hai phương án do Chính phủ trình; đồng thời, các ý kiến cũng nêu
nhiều kiến nghị cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế và hoàn thiện từng
phương án.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia
và qua thảo luận, phân tích các ưu điểm, hạn chế của hai phương án do
Chính phủ trình, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật của
Quốc hội đề xuất thiết kế Phương án 3 về tổ chức bộ máy chính quyền đơn
vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Theo Phương án 3, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc
biệt là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân đơn vị hành
chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và Ủy ban nhân dân
đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ
chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định
hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản
lý, điều hành ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cho Chủ tịch Ủy ban
đặc khu./.
(TTXVN)