Theo ông Bra-hi-mi, hai bên đã thảo luận các khía cạnh cụ thể của vấn đề chấm dứt bạo lực, trong đó có cuộc chiến chống khủng bố, cũng như việc thành lập chính phủ chuyển tiếp, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn trong lập trường giữa hai bên. Mặc dù chưa đạt được tiến bộ cụ thể, nhưng hai bên cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố Giơ-ne-vơ đạt được tại Hội nghị Giơ-ne-vơ 1 nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Xy-ri, đồng thời khẳng định tương lai của Xy-ri chỉ có thể do người dân nước này quyết định thông qua các biện pháp hòa bình mà không có sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp từ bên ngoài. Ông Bra-hi-mi kêu gọi nối lại vòng đàm phán tiếp theo vào ngày 10-2 tới và phe đối lập đã đồng ý, nhưng đại diện Chính phủ Xy-ri cho biết, cần xin ý kiến của chính quyền Ða-mát.
* Cùng ngày, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo V.A-mốt cho biết, bà "vô cùng thất vọng" trước việc đàm phán không đạt được thỏa thuận về vấn đề viện trợ nhân đạo và kêu gọi các bên ngừng giao tranh và cho phép các đoàn viện trợ quốc tế tiếp cận những khu vực đang bị phong tỏa ở Xy-ri. Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở thủ đô Béc-lin, Ðức, trong khuôn khổ chuyến thăm nước này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri cảnh báo, Tổng thống Xy-ri Át-xát có thể phải hứng chịu hậu quả nếu thất bại trong việc thực thi thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học của nước này.
* Cùng ngày, bên lề Hội nghị an ninh ở TP Mu-ních, Ðức, Cao ủy phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Liên hiệp châu Âu (EU) C.A-stơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Gia-ríp. Hai bên đã nhất trí rằng Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc cùng với Ðức) và I-ran sẽ tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran vào ngày 18-2 tới tại TP Viên, Áo. Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận thời gian và địa điểm tiến hành vòng đàm phán này.
* Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời người đứng đầu bộ phận an ninh và giải trừ vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga M.U-li-a-nốp cho biết, hạn chót 30-6 tới để phá hủy toàn bộ số vũ khí hóa học của Xy-ri vẫn "hoàn toàn khả thi". Theo ông U-ni-a-lốp, tiến độ chuyển giao số vũ khí hóa học ở Xy-ri bị chậm là do an ninh không bảo đảm trên tuyến đường vận chuyển vũ khí hóa học đến cảng La-ta-ki-a, nơi tập kết để chuyển lên các tàu nước ngoài đem đi tiêu hủy; ngoài ra còn có vấn đề kỹ thuật do chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của quốc tế. Tuy nhiên, ông khẳng định tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Xy-ri sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch bất chấp những trở ngại trên.
(Theo Nhân Dân)