Thứ Tư, 29/1/2014 21:53'(GMT+7)
Hội nghị hòa bình Syria xuất hiện nút thắt mới
Các phiên họp chung giữa đoàn đại biểu chính phủ Syria và phe đối lập cho đến nay vẫn chưa "đạt được đột phá." Ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria, đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc họp báo tối 28/1.
Tuy nhiên, ông Brahimi cho biết hai phái đoàn vẫn sẽ ở lại Geneva, Thụy Sĩ, để tiếp tục đàm phán đến ngày 31/1 như kế hoạch ban đầu.
Trước đó, ông Brahimi đã quyết định hủy phiên họp chiều 28/1 do hai bên không tìm được chủ đề có cùng quan điểm để tiến hành đàm phán, ngoài việc tiếp tục đưa ra những quan điểm trái chiều về các vấn đề chính trị nhạy cảm. Các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết, ông Brahimi đã phải chấp nhận có "bước lùi" nói trên sau khi chứng kiến những căng thẳng nảy sinh trong phiên họp diễn ra sáng cùng ngày.
Phe đối lập kiên quyết bác bỏ dự thảo tuyên bố của đoàn đàm phán chính phủ, trong đó cáo buộc Mỹ quyết định tái vũ trang cho các nhóm khủng bố ở Syria. Tuyên bố nêu rõ: "Quyết định này (của Mỹ) có thể được hiểu như nỗ lực trực tiếp cản trở giải pháp chính trị ở Syria thông qua đối thoại." Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Akdad cho rằng Washington không quan tâm đến sự thành công của tiến trình đàm phán hòa bình đang diễn ra.
Phái đoàn chính phủ Syria đưa ra tuyên bố trên sau khi có nguồn tin không chính thức cho biết, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu kín chấp thuận tài trợ tái cấp vũ khí cho phe đối lập Syria cho tới hết tài khóa 2014, kết thúc vào ngày 30/9 tới. Dự kiến, Mỹ sẽ cấp một cơ số vũ khí hạng nhẹ cho các nhóm đối lập ôn hòa ở miền Nam Syria. Mặc dù đây chỉ là nguồn tin không chính thức song chính phủ Syria vẫn cực lực phản đối vì cho rằng hành động tái vũ trang cho phe đối lập Syria đi ngược lại sáng kiến tổ chức hội nghị Geneva mà Mỹ là một trong hai tác giả.
Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria lần thứ hai, còn được gọi là Hội nghị Geneva 2, diễn ra từ ngày 22/1 ở Thụy Sĩ với trọng tâm là các cuộc đàm phán trực tiếp lần đầu tiên giữa đại diện chính quyền Syria với phe đối lập kể từ khi bùng phát xung đột hồi tháng 3/2011.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn ngay từ khi chuẩn bị cho tới lúc đàm phán, song các bên vẫn đạt được một vài thỏa thuận quan trọng liên quan đến vấn đề nhân đạo. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ thiết lập vành đai an toàn cho phép đưa toàn bộ phụ nữ và trẻ em rời khỏi thành phố Homs, nơi chìm sâu trong các cuộc tấn công khốc liệt kể từ tháng 6/2012. Tuy nhiên, hiện các bên vẫn chưa đưa ra được biện pháp cụ thể cho kế hoạch sơ tán, cho dù các đoàn xe cứu trợ đã sẵn sàng để vào thành phố.
Trong tuyên bố khích lệ các bên tham gia đàm phán, ông Brahimi bày tỏ hy vọng cả chính phủ Syria và phe đối lập sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn trong cuộc họp được nối lại vào sáng 29/1, qua đó tạo động lực để các bên có thể đi hết chặng đường đàm phán còn nhiều khó khăn trước mắt, nhất là khi đề cập đến các vấn đề chính trị gai góc như tương lai chính trị của Tổng thống Bashar al-Assad và việc thành lập chính phủ chuyển tiếp tại Syria.
Kể từ khi bùng phát hồi tháng 3/2011, cuộc xung đột ở Syria đã cướp đi mạng sống của hơn 130.000 người và làm gần 9 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Riêng tại thành phố Homs, ước tính hiện có tới 1.200 phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi đang bị mắc kẹt./.