(TCTG)- Tức giận với Grudia, bất hòa với Ucraina, lạnh nhạt với Tuốcmênítxtan, từ nay Nga lại căng thẳng với Bêlarút, đồng minh chắc chắn nhất, tiền đồn quân sự của Nga đối chọi với NATO.
Từ 09/6/2009, hơn một nghìn sản phẩm sữa của Bêlarút bị cấm bán ở Nga. Guennadi Onichtchenko, người đứng đầu các cơ quan y tế Nga đã giải thích, các sản phẩm đó là “một mối đe dọa trực tiếp đối với đời sống và sức khỏe”. Tổng thống Bêlarút Alexandre Loukachenko đã đánh giá điều đó thật xấu. Ông đặt lại vấn đề đối tác quân sự với cường quốc láng giềng của mình.
Mỗi khi lên giọng với người chư hầu cũ của mình, Mátxcơva lại sử dụng vũ khí cấm vận: năm 2005, Mátxcơva đề cập đến nông sản của Ucraina; năm 2006 là rượu của Mônđôva và Grudia; hôm nay, đó là sữa của Bêlarút.
“Cuộc chiến sữa” cho thấy căng thẳng gia tăng giữa Minsk và Mátxcơva, hai nước từ năm 1997 cam kết vào một kế hoạch liên minh ít thành công. Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau chuyến thăm Minsk ngày 28/5/2009 của Thủ tướng Nga Vladimir Poutine.
Trong thời kỳ nồng ấm, Bêlarút dự tính vay một khoản tín dụng 2 tỷ USD (1,45 tỷ EURO) mà Mátxcơva đã đồng ý từ năm 2008. Lời đề nghị cơ bản đã được chấp nhận, nhưng bằng đồng Rúp chứ không phải bằng đồng đô la Mỹ. Trong khung cảnh “hợp nhất” dự kiến, Bêlarút được khuyến khích chấp nhận đồng Rúp, điều mà nước này đã từ chối. Từ khi xuất hiện cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Nga muốn biến đồng tiền của mình thành một ngoại tệ trong khu vực nhằm thay thế đồng đô la Mỹ.
Theo ông Loukachenko, phía Nga đặt điều kiện việc Nga cấp cho khoản tín dụng đổi lại Bêlarút công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossétia, 2 tỉnh của Grudia tuyên bố độc lập sau cuộc chiến Nga - Grudia tháng 8/2008. Đầy hận thù nước Nga, được ví như “người cha” của Minsk, ông Loukachenko đã hứa với Kremlin “một cuộc chiến Chechnya mới” nếu chủ quyền của nước ông bị đe dọa.
Sự cô lập của Nga
Đối mặt với nước Nga, ông Loukachenko đã giải thích: “không cần thiết phải nghiêng mình, khuất phục và khóc. Chúng ta phải tìm niềm hạnh phúc ở chỗ khác”. Tổng thống Bêlarút ám chỉ sự xích lại gần Liên minh châu Âu (EU) mới đây của nước này trong khung cảnh “đối tác phương Đông” do Bruxelles đề xuất với các nhà nước láng giềng của Nga (Ucraina, Bêlarút, Mônđôva, Grudia, Ácmênia và Azerbaïdjan).
Cam kết vào một cuộc chiến giành ảnh hưởng với Nga, EU đưa ra các khả năng để thu hút vào thời điểm mối quan tâm chính trị-quân sự của Nga tập trung ảnh hưởng vào “khu vực lợi ích ưu tiên” của mình. Vì vậy, ảnh hưởng của Nga tại khu vực này sẽ tan biến trong chớp mắt.
Việc cô lập Nga đã được tiết lộ hôm chủ nhật (14/6/2009) tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), liên minh quân sự gồm 7 nước không gian hậu Xô Viết (Nga, Bêlarút, Ácmênia, Kirghizstan, Tadjikistan, Kazakhstan và Ouzbékistan).
Nội dung hội nghị thượng đỉnh có việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh, giống mô hình của NATO. Alexandre Loukachenko, người không màng đến hội nghị, đã không ký văn bản cuối cùng và Tổng thống Ouzbékistan Islam Karimov đã từ chối tham gia. Sergueï Markov, nhà phân tích gần gũi điện Kremlin đã nêu rõ: “Việc hội nhập với các nước hậu Xô Viết sẽ diễn ra khó khăn, song các nước đó sẽ loại chúng ta ra”. Một nhà chính trị học cho hãng Interfax biết, nước Nga không chú trọng quá vào “các quá trình hội nhập trên”.
Theo Dmitri Orechkine, một nhà phân tích độc lập, bản tổng kết tồi tệ này nhằm chống lại “chính sách đối ngoại do Vladimir Poutine đề ra”. Với việc sử dụng chính sách gây sợ hãi để thu hút các nước láng giềng, Kremlin “không có phương tiện và kiến thức” để thu hút các đối tác cùng dòng.
Theo báo Lemonde.fr