Ngày 23/3, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Chương
trình chống lao quốc gia tổ chức míttinh nhân Ngày Thế giới phòng chống
lao (24/3).
Phát biểu tại lễ míttinh, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình
chống lao quốc gia,
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, không một quốc gia nào, không một vùng
miền nào trên thế giới không có người bệnh lao. Cứ 4 giây trôi qua là có
một người bệnh lao bị chết. Chương trình chống lao quốc gia đã hình
thành và phát triển suốt 25 năm qua.
Mặc dù nhận được đầu tư của Chính phủ, Bộ Y tế, sự hỗ trợ của các tổ
chức quốc tế và nỗ lực của đội ngũ cán bộ chống lao song bệnh lao vẫn là
gánh nặng sức khỏe của cộng đồng. Các số liệu dịch tễ cho thấy, hàng
năm chúng ta mới phát hiện được gần 60% bệnh nhân lao hiện có và vẫn còn
đến 12.000-18.000 người chết vì lao mỗi năm.
Một người bị lao sẽ lây cho 10-15 người khác
Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân nhiễm lao
cao trên toàn cầu và xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa
kháng thuốc cao trên toàn cầu . Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 180.000
người mắc mới và 20.000 người chết do bệnh lao, cao hơn 2 lần tai nạn
giao thông.
Trong số người mắc lao, có tới 76% là nông dân, do mức sống
của nhiều hộ dân thấp, môi trường ô nhiễm, công tác chăm sóc sức khỏe
ban đầu còn hạn chế… ; đặc biệt, số bệnh nhân lao được phát hiện và
điều trị chỉ chiếm khoảng 60% số người mắc lao trong cộng đồng. Nguyên
nhân là do tình trạng bác sỹ “già hóa,” không có người thay thế mà nguồn
nhân lực mạng lưới chống lao cũng thiếu và thường xuyên thay đổi công
tác nên không thể hết lòng vì công việc.
Ngoài ra, dịch tễ lao, lao/HIV
và lao kháng thuốc ở Việt Nam còn cao, số bệnh nhân chưa được phát hiện
còn quá lớn, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng. Trong khi
đó, sự kỳ thị, định kiến vì bệnh lao của người dân còn lớn, khiến cho
bệnh nhân lao giấu bệnh, tự chạy chữa, bệnh càng nặng, khả năng lây chéo
sang người khác càng lớn.
Bệnh lao không có miễn dịch vĩnh viễn
như các bệnh truyền nhiễm khác (như bệnh sởi, bạch hầu, ho gà); việc
tiêm vắcxin phòng bệnh chỉ có tính tạm thời bảo vệ cho trẻ em giảm tần
suất, khả năng bệnh nặng. Bệnh lao lây lan rất nhanh trong cộng đồng,
hơn tất cả các bệnh khác, bởi bệnh lây qua đường hô hấp. Một người bị
lao sẽ lây cho 10-15 người khác trong một năm.
Bên cạnh đó, thuốc chống
lao tại Việt Nam là loại thuốc đã có từ rất lâu. Thuốc điều trị
lao được sản xuất ra cách đây 60 năm và đến nay vẫn không
có sự khác biệt nào cả. Chính vì vậy, vi khuẩn lao đã quen và nhờn
thuốc. Hơn nữa, do bệnh phải điều trị dài ngày, từ 6-8 tháng nên nhiều
người bệnh không chờ đợi được dẫn đến điều trị bệnh không dứt điểm. Do
vậy, bệnh lao càng trở nên khó kiểm soát.
Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi
Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Ngọc Sỹ cho biết Chương trình phòng chống
lao tại Việt Nam đã được triển khai rất sớm và có những thời điểm đã
từng trở thành chương trình mục tiêu quốc gia. Bệnh lao đã có thuốc điều
trị cấp miễn phí cho người dân, đã có vắcxin phòng bệnh cho trẻ em
nhưng nó vẫn là một bệnh khó kiểm soát. Bệnh lao không phải là bệnh
thông thường; là bệnh lây, bệnh nguy hiểm không chỉ cho người bệnh mà
còn cho cả cộng đồng.
Hiện nay, bệnh lao không còn được coi là một trong
tứ chứng nan y nữa mà bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được; điều này đã
được chứng minh. Hàng năm, Việt Nam đã điều trị, chữa khỏi cho khoảng
90.000 bệnh nhân lao.
Tuy nhiên, bệnh lao khi đã được chữa khỏi thì vẫn
có thể mắc trở lại. Người chữa khỏi bệnh lao có thể tái mắc bệnh thông
qua việc lây nhiễm bệnh lại từ người khác vì không có miễn dịch chống
lao vĩnh viễn hoặc vi khuẩn lao còn xót lại trong người bệnh. Chính vì
vậy, bệnh lao sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào trong cuộc sống, vòng đời
mỗi con người.
Các bác sỹ cũng cho biết, về mặt tâm lý, bệnh lao
tạo lên một tâm lý xã hội nặng nề. Cho đến nay, trong cộng đồng vẫn chưa
xóa bỏ được rào cản, kỳ thị với người bệnh, chính bản thân người bệnh
cũng kỳ thị tách mình ra khỏi cộng đồng.
Thực tế về mặt kinh tế, nều
người bệnh có điều kiện sống khá giả thì vấn đề chi phí khám, chữa bệnh
sẽ không quá nặng nề nhưng về mặt tâm lý thì họ cũng giống như những đối
tượng khác lại khá lo lắng, ngại để người khác biết mình mắc bệnh.
Người mắc bệnh lao hiện được chữa bệnh bằng những hỗ trợ của nhà nước
như thuốc chữa lao miễn phí, xét nghiệm theo dõi miễn phí và được bảo
hiểm y tế chi trả những khoản phí chữa bệnh. Bên cạnh đó, họ cần nhận
thức được trách nhiệm của họ là phải chữa khỏi bệnh để không làm lây
bệnh sang những người thân trong gia đình và cộng đồng.
Thời gian
tới, để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả, Chương trình phòng, chống
lao quốc gia tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người
dân có thêm kiến thức về bệnh lao và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản,
giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám bệnh để được điều trị miễn
phí; đồng thời, khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công
tác phòng chống lao; kết hợp giữa hoạt động của các cơ sở y tế chuyên
khoa và y tế đa khoa, giữa y tế công với y tế tư; triển khai các hoạt
động của Chương trình chống lao tại những khu tập trung đông người...
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu
hút đội ngũ bác sỹ làm lao và nhân lực phòng chống lao cơ sở; cần có sự
thay đổi về chính sách để người bệnh chủ động tìm đến các cơ sở y tế,
kiên trì điều trị lao theo đúng phác đồ./.
TTX