Khủng hoảng kinh tế hoặc xã hội có thể làm giảm tuổi thọ người dân nếu các chính phủ cắt giảm ngân sách dành cho y tế. Đây là cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong báo cáo công bố ngày 12/3 liên quan đến tuổi thọ của người dân tại 53 quốc gia châu Âu.
Theo WHO, tình hình sức khỏe của người dân châu Âu năm 2012 đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn tồn tại sự chênh lệch về tuổi thọ giữa các nước.
Tây Ban Nha là nước có tuổi thọ cao nhất châu Âu với trung bình 82,2 năm so với 68,7 năm của người dân Kazakhstan, nước có tuổi thọ nằm ở cuối bảng xếp hạng.
Kể từ năm 1980, tuổi thọ trung bình của người dân châu Âu đã tăng thêm 5 năm và đạt mức 76 tuổi vào năm 2010, tuy nhiên, sự gia tăng này không đồng đều giữa các nước.
Trong báo cáo định kỳ ra ba năm một lần này, WHO nêu rõ với 900 triệu dân của các quốc gia trải rộng từ Tây Âu đến Trung Á bao gồm cả Israel, châu Âu có 9 trên tổng số 10 nước nằm trong tốp dẫn đầu về tuổi thọ trung bình ngay cả khi lục địa này có tỷ lệ sử dụng rượu và thuốc lá cao nhất thế giới.
Tuổi thọ gia tăng một phần là nhờ việc giảm một số bệnh, đặc biệt là các bệnh tim mạch và cải thiện các điều kiện sống. Chi phí dành cho sức khỏe dao động khá lớn giữa các quốc gia. Theo số liệu của năm 2010, Pháp và Hà Lan giành 11,9% Tổng sản phẩm quốc nội cho ngân sách y tế trong khi con số này là 2,5% tại Turkmenistan.
Tuổi thọ cũng biến động lớn theo giới tính, trung bình là 80 tuổi đối với phụ nữ và 72,5 tuổi đối với nam giới. Cho đến năm 2010, nam giới vẫn chưa bắt kịp tuổi thọ trung bình của nữ giới vào năm 1980. Sự chênh lệch này được giải thích là có thể do sự khác biệt về lối sống, đặc biệt là do nam giới hút thuốc nhiều gấp đôi phụ nữ.
Tỷ lệ tự tử đã giảm từ 24 đến 40% tùy theo từng nước kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng người ta cũng nhận thấy đà giảm này đang chậm lại kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
WHO cũng cảnh báo rằng từ nay đến năm 2050, một phần tư dân số châu Âu sẽ vượt qua ngưỡng 65 tuổi, điều này đặt ra các thách thức đối với các dịch vụ y tế.
Liên quan đến các bệnh có tỷ lệ tử vong cao, báo cáo của WHO chỉ rõ ung thư đã thay thế tim mạch để trở thành bệnh gây tử vong cao nhất cho người dưới 65 tuổi của 28 nước trên tổng số 53 nước mà báo cáo đề cập.
Châu Âu cũng có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất thế giới với 7,9 trường hợp trên 1.000 trẻ sơ sinh. Tỷ lệ này đã giảm 54% trong giai đoạn 1990 -2010. Tuy nhiên, cũng như trong lĩnh vực tuổi thọ, tỷ lệ này dao động rất lớn giữa các nước.
Kể từ năm 1990, tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai giảm 50% xuống còn 13,3/100.000 ca vào năm 2010. Cũng trong khoảng thời gian đó, tỷ lệ chết do tai nạn giao thông giảm 50%, chủ yếu do giảm sử dụng rượu bia./.
(TTXVN)