Thứ Năm, 21/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 5/11/2019 15:37'(GMT+7)

Bệnh Melioidosis (Whitmore): Các biện pháp phòng và chống

Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị

Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, bạn cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị

Bệnh Whitmore hay còn gọi là bệnh Melioidosis:  Là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường sống tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc phải căn bệnh này nếu như tiếp xúc với đất, nước hoặc bề mặt bị nhiễm k vi khuẩn B. pseudomallei. Mặc dù không có khả năng bùng phát thành dịch bệnh nhưng Whitmore có tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao nên cực kỳ nguy hiểm.

Bệnh Whitmore ở Việt Nam được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội rối đến Huế. Mặc dù chưa thể thống kê số liệu chính xác về tình trạng bệnh nhưng đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh tại các địa phương. Do tính chất gây bệnh nguy hiểm, cùng khả năng lây nhiễm qua con đường hô hấp cao nên vi khuẩn B. Pseudomallei đã được cơ quan kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) xếp vào nhóm tác nhân nguy hiểm loại 1 (tương đương vi khuẩn than Bacillus anthracis) và có thể sử dụng làm vũ khí sinh học.

Vi khuẩn B. pseudomallei gây ra bệnh Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể người có sẽ di chuyển tới các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là ở phổi, gan, thận, cơ, da....Bệnh Whitmore có thể gặp phải ở tất cả các độ tuổi, giới tính, những người thường xuyên phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường đất và nước, người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi, đái tháo đường, bệnh thận, suy giảm miễn dịch...

Con đường lây nhiễm bệnh Whitmore: Bệnh Whitmore do vi khuẩn B. Pseudomallei (sống trong đất) có thể là do tiếp xúc qua các vết trầy xước trên da khi người bệnh tiếp xúc với đất hoặc nước có chứa vi khuẩn mà mắc phải. Whitmore có thể lây nhiễm qua con đường hô hấp, ngoài ra, một số nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra được những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn phải các thức ăn có vi khuẩn.

Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được con đường lây nhiễm bệnh Whitmore từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua đường không khí. Chính vì vậy, những địa điểm có người mắc bệnh Whitmore thường lẻ tẻ chứ không thể bùng phát thành đại dịch.

Nguyên nhân gây bệnh Whitmore: Nguyên nhân chính gây ra bệnh Whitmore có thể là do người bệnh tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với môi trường bùn, đất có chứa trực khuẩn gây bệnh Whitmore và lây nhiễm bệnh thông qua các vết xước, vết thương ngoài da do sơ ý hoặc tai nạn.

Đặc biệt, bệnh Whitmore ở Việt Nam cũng có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa do người bệnh hít phải bụi hoặc hơi nước có nhiễm khuẩn gây bệnh hoặc uống nước lã có nhiễm khuẩn Whitmore.

Ngoài những nguyên nhân chính thì một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Whitmore bao gồm: 

- Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường: Chiếm khoảng 23-60% bệnh nhân

- Bệnh nhân nghiện rượu: Chiếm khoảng 12-39%

- Mắc bệnh phổi mãn tính: Chiếm khoảng 12-27%

- Mắc bệnh thận mãn tính: Chiếm khoảng 10-27%.

- Bệnh Whitmore

- Bệnh Whitmore mức độ nguy hiểm cao, gây tử vong nhanh và đang có tỷ lệ gia tăng.

 

Biểu hiện lâm sàng khi mắc bệnh Whitmore:  Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore sẽ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Sau khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh thì sẽ phải mất từ 2 - 4 tuần người bệnh mới xuất hiện triệu chứng, một vài trường hợp người bệnh sẽ không thấy có triệu chứng. Các nghiên cứu huyết thanh học đã cho thấy đa số các trường hợp người bệnh nhiễm trùng thường không biểu hiện triệu chứng mà những biểu hiện lâm sàng nặng thường xảy ra trên cơ địa những người bệnh có các yếu tố nguy cơ, cụ thể:

  1. Nhiễm trùng phổi: Biểu hiện lâm sàng rõ nhất của bệnh Whitmore ở người là nhiễm trùng phổi. Sự nhiễm trùng phổi có thể là phát sinh độc lập hoặc là kết quả của sự nhiễm trùng máu. Bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng phổi nhẹ hoặc nặng dẫn đến viêm phổi và sốc nhiễm trùng (có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong).

    Bệnh nhân Whitmore bị nhiễm trùng phổi sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng bao gồm: Đau ngực khi hít thở; Ho có đờm hoặc không; Sốt cao liên tục; Đau nhức cơ thể và đau đầu; Sụt cân nhanh chóng

  2. Nhiễm trùng máu:Bệnh Whitmore nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ nhanh chóng tiến triển và khiến người bệnh bị nhiễm trùng máu hay còn gọi là sốc nhiễm trùng (là dạng bệnh Whitmore nghiêm trọng nhất), có thể đe dọa tính mạng. Các triệu chứng bao gồm: Người bệnh bị sốt rét run kèm theo vã mồ hôi; Đau nhức đầu; Đau vùng bụng trên; Bị tiêu chảy; Đau họng; Khó thở; Đau khớp và đau cơ; Mất phương hướng; Xuất hiện vết loét có mủ trên da hoặc bên trong ở gan, lách, cơ hoặc tuyến tiền liệt.

    Những đối tượng người bệnh trên 40 tuổi sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu trong bệnh Whitmore.

  3. Nhiễm trùng khu trú: Dấu hiệu này thường biểu hiện rõ nhất trên da và các cơ quan dưới da của người bệnh. Nhiễm trùng khu trú có thể lan vào máu và xuất hiện các triệu chứng như: Đau hoặc sưng ở một vị trí nhất định (tuyến mang tai..); Sốt cao; Bị loét hoặc áp xe trên, ngay dưới da
  4. Nhiễm trùng rải rác: Trường hợp này, người bệnh bệnh Whitmore có thể xuất hiện nhiều vết loét ở nhiều vị trí khác nhau, kèm theo các triệu chứng: Sụt cân; Sốt cao; Đau ngực hoặc đau dạ dày; Đau cơ hoặc khớp; Đau đầu, co giật; Đa số các vết loét nhiễm trùng sẽ xuất hiện ở gan, lách, phổi hoặc tuyến tiền liệt.

Chẩn đoán bệnh Whitmore: Thực tế, bệnh Whitmore có thể gây ra ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể người bệnh và gây ra các triệu chứng tương tự như nhiều bệnh lý. Do vậy, nếu không được chẩn đoán chính xác có thể sẽ khiến người bệnh phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh Whitmore, cần phải tiến hành nuôi cấy vi khuẩn B. pseudomallei, bác sĩ lấy mẫu máu, mẫu đờm, mủ hoặc nước tiểu, dịch trong bao hoạt dịch (giữa các khớp), dịch màng tim (trong khoang quanh tim), dịch màng bụng (trong khoang bụng) của người bệnh để đem đi nuôi cấy. Mẫu sẽ được đặt vào môi trường nuôi cấy để xem vi khuẩn mọc không và đưa ra kết luận.

Biện pháp phòng ngừa bệnh Whitmore: Hiện nay, bệnh Whitmore ở Việt Nam vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa, đây lại là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm nên việc chủ động phòng tránh là rất cần thiết. Để phòng ngừa bệnh Whitmore, cần phải:

- Hạn chế tiếp xúc với môi trường bùn, đất trong khu vực bị ô nhiễm. Với những người bắt buộc phải làm việc trong môi trường này thì cần trang bị phương tiện bảo hộ an toàn như giày, dép, găng tay...

- Khi có vết thương hở hoặc trầy xước, loét trên da thì không tiếp xúc với đất, nước nơi có khả năng chứa vi khuẩn gây bệnh.

- Những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch, đái tháo đường... cần được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận.

- Phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh.

 

Theo thống kê thì mỗi năm vẫn có nhiều người bệnh phải tử vong vì bệnh Whitmore, đặc biệt là trường hợp bị nhiễm trùng huyết và các biến chứng của nó mặc dù đã được điều trị kịp thời. Do vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi người hãy chủ động tìm hiểu và trang bị các kiến thức về căn bệnh này, tìm cho mình một phương pháp phòng tránh hiệu quả và an toàn nhất.

Nam Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất