Chủ Nhật, 19/5/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 5/6/2019 16:25'(GMT+7)

Bệnh phong có thể phòng ngừa, điều trị và hết bệnh

Cán bộ Bệnh viện Da liễu T.Ư thăm, khám người mắc bệnh phong ở tỉnh Nghệ An. Ảnh: TUẤN MINH

Cán bộ Bệnh viện Da liễu T.Ư thăm, khám người mắc bệnh phong ở tỉnh Nghệ An. Ảnh: TUẤN MINH

Bệnh phong là một trong những loại bệnh được nhân loại biết đến sớm nhất, còn được gọi là bệnh Hansen. Đây là bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn Mycobacterium leprae (M. leprae) gây ra, vi khuẩn phát triển rất chậm và thời kỳ ủ bệnh kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Bệnh phong không phải là bệnh di truyền, không gây chết người, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại những tàn tật, di chứng trầm trọng. Chính những tàn tật này làm cho người ta sợ hãi và quan niệm sai lầm về bện phong, kỳ thị những người mắc bệnh.

Bệnh phong có thể trị lành. Tuy nhiên, 10% các trường hợp được phát hiện quá trễ và bệnh nhân phải gánh chịu tàn tật do bệnh phong gây ra. Chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả đóng vai trò quan trọng không những cho từng cá nhân người bệnh mà còn nhằm thanh toán bệnh phong.

BỆNH PHONG  NGÀY NAY ĐÃ ĐƯỢC CHỮA KHỎI HOÀN TOÀN

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh phong là bệnh khó lây, có thời gian ủ bệnh kéo dài trung bình 3-5 năm hoặc có trường hợp có thể 5 năm, 10 năm.

Bệnh phong có khá nhiều biểu hiện lâm sàng, trong đó, bệnh có hai dạng thường gặp đó là dạng Tuberculoid - phong củ và dạng Lepromatous - phong u, từ hai dạng này, bệnh còn chia ra nhiều thể khác nhau. Theo đó, cả hai dạng trên đều gây tổn thương da nhưng phong u được cho là có ảnh hưởng nặng nề hơn do cấu tạo u ngoài da làm cho bệnh nhân có hình dạng méo mó, dị dạng.  

Bệnh phong lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với những chất xuất tiết (nước mũi, nước bọt…) lâu ngày. Bệnh có những dấu hiệu đầu tiên như chuyển biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau. Các triệu trứng tiếp theo như mặt người bệnh bắt đầu nổi cục sần sùi nhỏ, mũi xẹp xuống, xuất hiện nhiều cục tại các dây thần kinh ngoại vi như cổ tay, khuỷu tay, đầu gối.  

Nếu không được điều trị, bệnh thường có những biến chứng về bàn tay và bàn chân rất nặng nề, có thể dẫn đến tàn tật như: Ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi. Do tay, chân không còn cảm giác dẫn đến người bệnh bị thương mà không biết, gây bội nhiễm với các vi khuẩn khác và mất dần bàn tay, bàn chân.

Bên cạnh đó, bệnh còn có biểu hiện khác như: Rối loạn bài tiết (da khô, bóng mỡ), rối loạn dinh dưỡng (rụng lông mày, loét ổ gà…), viêm mũi, viêm thanh quản…

Về các cách phòng chống và trị bệnh phong, Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh phong, vì vậy các biện pháp dự phòng vẫn là: Vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao đề kháng của cơ thể.

Khi có nghi ngờ về triệu chứng của bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chấn đoán và điều trị kịp thời để tránh tàn tật có thể xảy ra.

Nếu vùng da bị trầy xước của người bình thường tiếp xúc với vùng da bị trầy xước của bệnh nhân phong thì cần rửa tay bằng xà phòng trong vòng hai phút trực khuẩn sẽ chết hoặc để ngoài nắng cũng trong vòng hai phút trực khuẩn cũng sẽ chết. Ngoài ra, tắm hằng ngày cũng là cách để ngăn ngừa bệnh phong.

Các bác sĩ cũng cho biết, nếu được phát hiện sớm, bệnh phong có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Hiện tại người mắc bệnh phong được điều trị miễn phí, điều trị tại nhà.

KHÔNG NÊN KỲ THỊ BỆNH NHÂN PHONG

Với việc khó lây bệnh và có thể điều trị nội trú, Cục Y tế dự phòng cho rằng, cộng đồng không nên có sự kì thị với những người bệnh phong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có 2 khái niệm “loại trừ bệnh phong” và “thanh toán bệnh phong”. Loại trừ bệnh phong (Leprosy Elimination) nghĩa là tỉ lệ lưu hành bệnh dưới 1/10.000 dân số, với tỉ lệ này, bệnh phong không gây ra những vấn đề phức tạp cho y tế công cộng. Còn thanh toán bệnh phong (Leprosy Eradication) nghĩa là vùng /quốc gia không còn trực khuẩn gây bệnh phong nữa (tức là không còn bệnh nhân phong mới xuất hiện).

Theo Tổ chức Y tế thế giới, dù con số người mắc bệnh phong mới ngày càng giảm, nhưng hàng năm vẫn có khoảng 200.000 người nhiễm bệnh phong mới, 1 trong 10 người nhiễm bệnh phong là trẻ em. Đa số các trường hợp lây nhiễm  tập trung ở các quốc gia Brazil, Ấn Độ và Indonesia.

Từ năm 1982, Việt Nam với việc đề ra chương trình “Thanh toán bệnh phong từng vùng” triển khai hoạt động trên cả nước. Đặc biệt, chương trình được triển khai tận các đơn vị xã phường, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, làm cho công tác phòng chống mang tính chất xã hội hóa cao.

Từ năm 2000, Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của WHO ở cấp tỉnh thành. Việt Nam đã xây dựng 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong: Tỉ lệ lưu hành dưới 0,2/10.000 dân số; Tỉ lệ tàn tật dưới 1/100.000 dân số trong 3 năm liên tục; Tỉ lệ tàn tật trong số bệnh nhân phong mới phát hiện là dưới 15%; Kiểm tra ngẫu nhiên 15% cán bộ y tế, cán bộ chính quyền: 100% biết được kiến thức cơ bản về bệnh phong.

Từ năm 2015, 63 tỉnh thành trong cả nước đã đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong.

Theo ThS, BS Lê Thị Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ Y tế, số lượng người tàn tật do bệnh phong ở cộng đồng hiện khoảng 20 nghìn người và số lượng người bị phong tại các khu điều trị vào khoảng 1.800 người. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh phong được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, ngành y tế hết sức quan tâm. Tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho người bệnh và con em họ để có thể tự lập, tự chủ cuộc sống; tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí điều trị cho những người bệnh có bệnh da, hoặc có bất thường trên da để tìm bệnh phong một cách kịp thời và hiệu quả… 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phòng, chống bệnh phong ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như ở một số địa phương, sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh, sự quan tâm của chính quyền có phần giảm sút, thiếu sự đầu tư tài chính và nhân lực. Mô hình quản lý hoạt động phòng chống bệnh phong tuyến tỉnh có sự thay đổi ở nhiều nơi; đội ngũ làm công tác chống phong bị suy giảm. Hiện nay, người mắc bệnh phong đã xuất hiện trở lại ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Số người tàn tật do bệnh phong vẫn còn nhiều và cần được chăm sóc sức khỏe cả đời. Hiện, các cơ sở điều trị phong trên cả nước đang đối mặt tình trạng thiếu nhân lực, nguồn kinh phí dành cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh…

Ðể thực hiện tốt và hoàn thành các mục tiêu về phòng chống bệnh phong giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế cần tiếp tục duy trì mạng lưới phòng chống bệnh phong, củng cố mạng lưới phong - da liễu phù hợp. Ðẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng chống bệnh phong. Tổ chức các lớp tập huấn về dịch tễ bệnh phong; kiến thức về bệnh, các biện pháp và kỹ thuật phòng, chống tàn tật do bệnh phong gây ra; tăng cường công tác khám, phát hiện người bệnh phong mới theo phân vùng dịch tễ; khám lồng ghép với các chuyên khoa khác như: Lao, tâm thần, bướu cổ, sốt rét...

Duy trì và phát triển mạng lưới và đội ngũ làm công tác phong ở cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã; hạn chế tới mức thấp nhất việc xáo trộn cán bộ chuyên trách. Tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống bệnh phong ở tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở, lồng ghép công tác phòng chống bệnh phong vào mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu; công tác chăm sóc phòng, chống tàn tật và phẫu thuật phục hồi chức năng cho người tàn tật. Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nguồn lực phòng, chống bệnh phong. Ðồng thời, tranh thủ sự tài trợ các tổ chức từ thiện và sự quan tâm của các địa phương để đào tạo nghề, phát triển kinh tế giúp người bệnh phong nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Phương Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất