Tại "Hội thảo quốc gia về bệnh tay chân miệng" diễn ra từ ngày 4 - 5/4, do
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO) tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng
khẳng định, hiện nay bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh mới nổi
đang thu hút được quan tâm của nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có
Việt Nam.
Tại Việt Nam, sự gia tăng số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đã dẫn
đến tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và địa
phương.
Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên
gia trong nước và đại biểu đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc,
Singapore, Malaysia, Campuchia…sẽ là cơ hội để Việt Nam chia sẻ thông
tin và học hỏi những kinh nghiệm của các nước trong khu vực về dịch tễ
học, chẩn đoán và điều trị trong công tác phòng chống bệnh tay chân
miệng.
Phân tích về tình hình bệnh tay chân miệng, ông Nguyễn Đức Khoa nêu rõ,
bệnh tay chân miệng lưu hành ở nhiều nước trên thế giới. Trong những năm
qua đặc biệt từ năm 2009 bệnh có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao
trong nhiều năm liền ngay tại môt số nước có nền kinh tế phát triển như
Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…
Năm 2012, bệnh tay chân miệng vẫn lưu hành và tiếp tục được ghi nhận tại
các nước trên, đặc biệt tại những nước và khu vực như Trung Quốc,
Hokong Ma Cao, Sigapore ghi nhận số mắc cao bằng 1,2 đến 1,8 lần so với
cùng kỳ 2011.
Theo ông Khoa, tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng được ghi nhận từ năm
2003 với những ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Những năm qua, số người mắc bệnh này tại Việt Nam không ngừng gia tăng.
Số liệu tổng kết của Cục Y tế dự phòng cho thấy, năm 2011 tại Việt Nam
có hơn 113. 000 trường hợp mắc, tử vong 17 trường hợp. Năm 2012 có
157.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 45 trường hợp tử vong.
Đánh giá về bệnh tay chân miệng, ông Khoa nhấn mạnh: “Bệnh tay chân
miệng đứng thứ hai trong số 10 bệnh có số người mắc cao nhất tại Việt
Nam năm 2012 sau bệnh tiêu chảy. Đây cũng là bệnh có số trường hợp tử
vong đứng thứ ba sau bệnh dại và sốt xuất huyết.”
Ông Khoa cho hay, hiện nay, tỷ lệ người mắc và tử vong do bệnh tay chân
miệng cao nhất tập trung ở các tỉnh phía Nam. Năm 2011 và 2012 tỷ lệ tử
vong ở khu vực phía Nam gấp hơn 2 lần so với mức chung của cả nước. Đáng
lưu ý, 100% các trường hợp tử vong do virus EV71.
Theo đại diện của Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân nhiều trường hợp mắc
bệnh tay chân miệng là do virus gây bệnh là virus đường ruột, lây lan
theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, bệnh lưu hành rộng ở các địa
phương trong nước và các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, hiện giới
chuyên môn chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy
mạnh các hoạt động như phối hợp liên ngành huy động các ban ngành đoàn
thể, xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ
đang đề xuất nghiên cứu việc sản xuất và thử nghiệm vắc xin phòng chống
bệnh tay chân miệng tại Việt Nam…/.
Theo Vietnam+