Thứ Sáu, 6/12/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Sáu, 14/5/2021 10:32'(GMT+7)

Phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số

Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

Đánh giá của Quốc hội cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, giúp cho hàng triệu hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả; hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, chênh lệch giàu- nghèo còn lớn; một số nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi; một số cơ chế, chính sách chưa phát huy được nội lực của người dân.

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030, hằng năm giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 1-1,5%, hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo. Đặc biệt, đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân trên 3%/năm; 50% huyện nghèo, 50% xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đến năm 2030, phấn đấu cơ bản các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn, xây dựng tiêu chí NTM.

Bên cạnh đó, hoàn thiện phương pháp đo lường nghèo đa chiều có tính đến đặc thù vùng, miền, dễ đo lường,người dân tự xác định được tình trạng nghèo của hộ gia đình; áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Tiếp tục xây dựng và ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và ASXH bền vững nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Thực hiện đồng bộ, lồng ghép nguồn lực Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và ASXH bền vững với Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới chính sách giảm nghèo, tập trung phát triển chính sách hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ cho không; hỗ trợ người nghèo nâng cao năng lực sản xuất, có việc làm, thu nhập tốt, vượt lên mức sống tối thiểu và giải quyết hiệu quả các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; xây dựng chính sách trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo đảm ASXH tối thiểu, chú trọng chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo và chuyển đổi số trong lĩnh vực giảm nghèo. Thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người nghèo. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với người nghèo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo.

Cùng với đó, đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, tăng cơ hội tiếp cận cho người nghèo; thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng. Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện chính sách phát triển kinh tế- xã hội kết nối vùng khó khăn với vùng phát triển, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn khó khăn, giảm nghèo gắn với quốc phòng- an ninh…/.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất