Cách đây 19 năm, tỉnh Quảng Ngãi đã có quy hoạch khu dân cư bãi bồi nam sông Trà Khúc thuộc thành phố Quảng Ngãi, sau đó điều chỉnh quy hoạch thành trung tâm chính trị - hành chính tỉnh. Có quy hoạch nhưng tỉnh không có kinh phí triển khai dự án, thành ra quy hoạch treo, khiến hàng trăm hộ dân phường Lê Hồng Phong bị ảnh hưởng. Một số hộ dân rất bức xúc vì không thể tách thửa, sửa chữa nhà cửa hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đơn thư được gửi đến nhiều cấp nhưng vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. Chi bộ tổ 14, Đảng bộ phường Lê Hồng Phong đã phản ánh thông tin này đến cấp ủy cấp trên. Ban Thường vụ Thành ủy Quảng Ngãi đã đưa nội dung cơ sở phản ánh vào chương trình công tác, chỉ đạo UBND thành phố giải quyết bằng được. Đầu năm 2016, lãnh đạo Thành ủy Quảng Ngãi trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với nhân dân tổ 14, phường Lê Hồng Phong và các hộ dân bị ảnh hưởng, bước đầu tháo gỡ khó khăn và ổn định tư tưởng người dân.
Khi hạn hán kéo dài gây thiệt hại lớn cho người dân, Huyện ủy Sơn Hà phân công các đồng chí bí thư cấp ủy về nắm tình hình từng thôn, xã, gặp gỡ người dân và cán bộ các thôn để chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước tưới … Cao điểm hạn hán xảy ra đúng vào dịp chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, do đó, từ đồng chí Bí thư Huyện ủy đến các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, bí thư đảng ủy các xã, thị trấn đều về tận thôn, bản, khu dân cư, kết hợp tiếp xúc cử tri và nắm tình hình hạn hán.
Đối với các xã có diện tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng lớn, như Sơn Thủy (56 ha), Sơn Giang (60 ha), Sơn Hạ (67,4 ha), Sơn Trung (50 ha), Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường về cơ sở, nghe nhân dân phản ánh khó khăn, nắm bắt đề xuất của cấp ủy, chính quyền xã để kịp thời chỉ đạo. Nhiều cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung bàn về các biện pháp chống hạn, bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên nước và giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong đời sống, sinh hoạt... Sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Huyện ủy đã hạn chế thấp nhất hậu quả hạn hán cả về kinh tế, môi trường và sức khỏe.
Trao đổi về cách thức gặp gỡ, đối thoại với dân, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Thanh cho biết, bí thư cấp ủy thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với dân qua các cuộc tiếp dân định kỳ, tiếp dân theo chuyên đề, gặp gỡ dân với tư cách đại biểu hội đồng nhân dân hoặc mỗi khi xuống cơ sở giải quyết công việc. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy rất quan tâm đến đời sống nhân dân trên đảo, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với người dân và cán bộ xã, thôn, bởi vì huyện đảo Lý Sơn ở xa đất liền và có vị trí đặc biệt quan trọng.
Huyện đảo chỉ có ba xã, hơn 20 nghìn dân nên việc nắm bắt thông tin rất thuận lợi. Nếu như năm trước huyện đảo đón khoảng 100 nghìn du khách, thì chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay đã có hơn 60 nghìn lượt khách đến tham quan, khám phá Lý Sơn. Cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch có lúc quá tải. Nhiều vấn đề đời sống dân sinh phải giải quyết tức thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của đảo. Trước tình hình đó, bí thư cấp ủy tăng cường đối thoại với dân, việc gì giải quyết được thì linh hoạt giải quyết ngay. Những bức xúc của người dân liên quan đến quản lý nước ngọt, xử lý môi trường có thể chỉ đạo xử lý tại chỗ, không phải việc nào cũng chờ quy trình văn bản.
Để việc đối thoại với nhân dân trở thành nền nếp, tháng 4-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng với nhân dân. Trong các cuộc tiếp công dân của UBND tỉnh vào ngày 15 hằng tháng, luôn có một đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là lãnh đạo các ban đảng dự cùng nghe để nắm tình hình, nhất là các điểm nóng. Chậm nhất là bảy ngày sau buổi tiếp xúc, đối thoại, văn phòng cấp ủy phải thông báo ý kiến kết luận của bí thư cấp ủy về việc giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm chính đáng của nhân dân. Chậm nhất 30 ngày sau khi có thông báo kết luận của bí thư cấp ủy, các cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải có thông báo về kết quả giải quyết vụ việc cho tập thể, cá nhân liên quan và báo cáo với bí thư cấp ủy. Bí thư cấp ủy ở cả ba cấp trong tỉnh định kỳ ba tháng một lần tiếp xúc, đối thoại với dân hoặc đột xuất khi cần thiết.
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Câu đánh giá: Qua việc tiếp xúc, đối thoại với dân, định kỳ cũng như đột xuất, cán bộ tỉnh, huyện nâng cao được bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành. Đến nay, nhiều đồng chí không cần chuẩn bị trước vẫn có thể xử lý linh hoạt, kịp thời những yêu cầu của dân. Cách làm này đang phát huy hiệu quả tốt, góp phần xây dựng hình ảnh người bí thư cấp ủy tận tụy, trách nhiệm trước nhân dân.