(TG)-Ngày 05/5/2016, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đến tỉnh Lạng Sơn khảo sát tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Thực hiện Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Y tế về thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện nội dung Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, kiện toàn Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) để tổ chức thực hiện Chỉ thị. Xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP” và tăng cường công tác triển khai các đợt kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP trong dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội.
Các cơ quan, ban, ngành liên quan cùng phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức vệ sinh ATTP, các văn bản, các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền bằng băng zôn, khẩu hiệu, đĩa CD, pa nô, áp phích; xuống đường tuần hành, tuyên truyền bằng loa phóng thanh, các hội nghị, các buổi họp thôn, khối phố, hội nghị báo cáo viên; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; Đài Truyền thanh - Truyền hình tỉnh đã tăng cường thời lượng phát sóng về vệ sinh ATTP trong các đợt cao điểm... Công tác tuyên truyền được thực hiện trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán; Tháng Hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP; Tết trung thu, các ngày lễ kỷ niệm và Lễ hội xuân Xứ Lạng, các ngày chợ của các xã, thị trấn.
Trong 5 năm qua, ngành y tế đã phối hợp với Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn thực hiện được gần 250 tin, bài phóng sự phản ánh về các vụ việc vi phạm, các hướng dẫn khuyến cáo về vệ sinh ATTP góp phần cảnh báo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người tiêu dùng thực phẩm. Tổ chức trên 1.200 buổi nói chuyện phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng với trên 59.000 người tham dự, cấp phát trên 40.000 tờ rơi, 4.200 poster các loại tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức được trên 260 lớp tập huấn cho các đối tượng là thành viên Ban chỉ đạo các cấp, cán bộ y tế, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng...
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao hiểu biết trong nhân dân về ATTP và thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng ATTP; phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; kiểm soát tốt ATTP, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân. Công tác thông tin, truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm ngày càng đa dạng, phong phú hơn về cả hình thức và nội dung, tiếp cận tốt hơn các đối tượng nhân dân kể cả ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó đã có tác động rõ rệt tới nhận thức của người dân trong cộng đồng.
Qua điều tra đánh giá kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và cán bộ lãnh đạo quản lý tại địa bàn tỉnh trong 05 năm (2011-2015) kết quả cho thấy 80% người sản xuất; 75% người kinh doanh; 75% người tiêu dùng và 88% cán bộ lãnh đạo quản lý có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra của giai đoạn 2011-2015).
Hệ thống tổ chức quản lý ATTP được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao năng lực và chất lượng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra; thanh tra chuyên ngành và kiểm tra giám sát định kỳ; kiểm tra hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tuyến huyện. Chú trọng phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm về kiểm soát bếp ăn tập thể; quản lý thức ăn đường phố; kiểm soát các mối nguy để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; quản lý ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08-CT/TW; Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về ATTP. Nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung phản ánh, cảnh báo các hành vi vi phạm về ATTP; dành thời lượng thích hợp để đưa nhiều tin, mô hình sản xuất, cách làm, quản lý tốt ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về ATTP. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp chính quyền, đơn vị để xảy ra vi phạm hoặc tồn tại các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP. Tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc các vi phạm về ATTP. Củng cố tổ chức, tăng cường năng lực cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản và các cơ quan quản lý ATTP của địa phương. Kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành về ATTP, đặc biệt là ở tuyến xã. Tiếp tục triển khai cuộc vận động các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết thực hiện ba không “không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”./.
Nguyễn Đức Luận
Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lạng Sơn