Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật cùng với Công ty sách Thái Hà (Thaihabooks) cộng tác xuất bản, phát hành. Tác phẩm được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học năm 2015 của các nước Đông Nam Á (ASEAN) và đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Lào.
Tham dự tọa đàm, về phía Việt Nam có các đồng chí: Trương Thị Mai,
Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung
ương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba, Trưởng đoàn đại biểu cấp
cao Đảng Cộng sản Việt Nam đang có chuyến thăm và làm việc tại Cuba theo
lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba; Võ Văn Phuông, Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực
Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng bộ Thông tin
Truyền thông cùng nhiều đại biểu khác.
Về phía Cuba có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Alpidio Alonso
Grau; Chủ tịch Hội hữu nghị
Cuba - Việt Nam Yolanda Ferrer; nhà văn-nhà báo Marta Rojas, người bạn lâu năm của Việt
Nam cùng nhiều cán bộ, chuyên gia thuộc Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao Cuba.
Đây
là một trong những sự kiện quan trọng của Đoàn Việt Nam tại hội chợ
sách La Habana lần này, được tổ chức đầu tiên sau lễ khai mạc Hội chợ và
khai trương khu trưng bày của Đoàn Việt Nam, khách mời danh dự của Hội
chợ sách quốc tế La Habana 2020.
Diễn giả là nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Hơn
500 thính giả, trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động văn
hóa, nghệ thuật, học sinh, sinh viên và đông đảo công chúng có mặt tại hội trường chào đón các vị khách và diễn giả Việt Nam.
Tại
buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều trân trọng giới thiệu tác giả
Trần Mai Hạnh từng là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại chiến trường,
người có cơ hội chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn năm 1975
và sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với
những hiểu biết về chiến tranh của mình và với một kho tư liệu từ phía
chính quyền Sài Gòn và của phía Mỹ, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã
dựng lên cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử đặc biệt và hấp dẫn để lý giải
từ một góc nhìn khác về sự thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Theo
diễn giả Nguyễn Quang Thiều, tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản
chiến tranh 1-2-3-4.75 đã tái hiện và phục dựng trung thực những ngày
sụp đổ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn bằng chính những tài liệu
nguyên bản tuyệt mật và các bản văn tin cậy của phía bên kia (phía Việt
Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ), hoàn toàn không có bóng dáng chủ quan của
tác giả, không xen bất cứ bình luận, nhận xét gì của người viết.
Nhà
văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: Nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết này
là giữa những tư liệu được trích dẫn một cách chính xác, tác giả đã tạo
dựng một không khí bằng nghệ thuật văn chương về tâm trạng, tâm lý, thái
độ, mục đích một cách sống động… cùng những chính sách sai lầm, và
những vấn đề nội bộ của chính quyền Sài Gòn cũng như của Mỹ trong cuộc
chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cách dẫn chuyện và tạo dựng không khí đã
phơi bày ra sự thật quan trọng của cuộc chiến tranh.
Diễn giả nêu
rõ: Khác với những tiểu thuyết viết về chiến tranh đã có, tác giả Trần
Mai Hạnh đã không chỉ viết về những người chiến thắng mà ông còn viết về
những người bại trận bằng một thái độ bình tĩnh, lý giải sâu sắc, khách
quan, công bằng, khoa học và để bạn đọc tự phán xét. Một điều khác biệt
và quan trọng là cuốn sách không nhằm tuyên truyền lòng căm thù của
người Việt Nam với những kẻ gây tội ác trên đất nước mình, không đứng
trên tư thế của người chiến thắng để phán xét mà chỉ đưa ra sự thật về
cuộc chiến tranh này. Chủ nghĩa nhân văn và tinh thần văn hóa truyền
thống của người Việt Nam gián tiếp được hiện lên trên những trang viết
và giữa những tư liệu được viện dẫn.
Kết
thúc buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã tặng sách Biên bản
chiến tranh 1-2-3-4.75, bản tiếng Việt và cả bản tiếng Anh cho các vị
lãnh đạo và bạn bè Cuba.
Đông đảo thính
giả có mặt trong hội trường đã nhiều lần vỗ tay tán thưởng bài thuyết
trình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người từng theo học tại Khoa Văn
học và Nghệ thuật trường Đại học La Habana vào thời gian những năm 80
thế kỷ trước.
Và sau 30 năm trở lại nhà văn đã thốt lên: "Ôi Cuba…tôi lại đặt chân lên hòn đảo mến yêu này sau hơn 30 năm trở về Việt Nam.
Khi
chiếc máy bay của hãng hàng không Pháp chạm bánh xuống đường băng sân
bay Jose Marti, nước mắt tôi giàn giụa. Một cảm giác giống như người đi
xa trở về nhà mình.
Tôi đã có những năm tháng sống trên hòn đảo
này với bao kỉ niệm không thể nào quên được. Hồi đó sinh viên chúng tôi
học ở Cuba không thể về nước nghỉ hè vì không có tiền mua vé. Bởi thế
suốt thời gian hè tôi lang thang khắp chốn trên hòn đảo này, tôi đã sống
như một người đàn ông Cuba thực thụ.
Hơn 30 năm không dùng đến
tiếng Tây Ban Nha, tôi quên đi khá nhiều. Nhưng thật kỳ lạ là trong
những giấc mơ về hòn đảo này tôi lại nói tiếng Tây Ban Nha hoàn hảo
(perfecto) như một kẻ sinh ra và lớn lên trên hòn đảo này.
Giờ tôi
đang ở đây. Và trong bóng đêm lúc này tôi nghe rất rõ những thì thầm
của những ngôi nhà cổ kính, của những hàng cây, của tiếng sóng biển dội
về, của những người đàn ông Cuba mạnh mẽ và những người đàn bà Cuba
nóng bỏng và mê đắm…
Ôi Cuba, tôi yêu hòn đảo này với tất cả những
buồn vui của tôi!" (trích từ Facebook cá nhân của nhà văn Nguyễn
Quang Thiều).
Nhà
văn Nguyễn Quang Thiều nói anh rất hạnh phúc khi được quay lại Cuba để
giới thiệu sách cho công chúng nơi đây và mong muốn bạn đọc Cuba sớm có
bản dịch tiếng Tây Ban Nha của tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 để đọc và hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và hiểu tại sao Mỹ đã thất bại.
Chắc
rằng bạn tôi, nhà văn Trần Mai Hạnh cũng rất hạnh phúc khi tác phẩm của
mình được giới thiệu trang trọng ở Hội chợ sách quốc tế La Habana 2020
này, và anh sẽ hạnh phúc biết bao nếu mong muốn của nhà văn – diễn giả
Nguyễn Quang Thiều trở thành hiện thực và Trần Mai Hạnh có dịp trở lại
hòn đảo tự do để giao lưu với bạn đọc Cuba khi họ có trên tay tiểu
thuyết "ACTA DE GUERRA 1-2-3-4.75" (Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75).
Và khi đó anh sẽ tự hào cài trên ngực mình tấm Huân chương cao quý mang
tên chiến sĩ Moncada Félix Elmusa, của Hội nhà báo Cuba trao tặng nhân
dịp anh sang La Habana vào tháng 7-1999 khi là thành viên chính thức
trong Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu dẫn đầu thăm Cuba. Khi đó, với tư cách là Trưởng Cơ quan thường
trú TTXVN tại La Habana, tôi may mắn có mặt và phiên dịch giúp anh tại
buổi lễ trọng thể ấy./.