Sách Tết vừa có những bài viết gợi nhắc kỷ niệm, giới thiệu những nét đẹp, phong tục cổ truyền vừa có những tác phẩm mang “hơi thở” đương đại.
Lật giở cẩn thận từng trang của cuốn sách Tết, ông Nguyễn Văn Tuân (ngõ 464 Âu Cơ, Hà Nội) không giấu được vẻ say sưa, thích thú.
Đôi tay run run, người đàn ông đã bước qua ngưỡng tuổi bát thập bảo: “Báo Tết có nhiều, năm nào cũng phát hành nhưng đã lâu lắm rồi, tôi mới gặp lại những cuốn sách Tết. Chúng mang phong vị riêng - tao nhã, lắng đọng, để người đọc cùng ‘sống chậm’ lại sau chuỗi ngày tất bật, hối hả ngược xuôi!”
"VANG BÓNG MỘT THỜI"
Trong khoảng 3 năm vừa qua, sự trở lại của dòng sách Tết (với những đổi mới cả về nội dung và hình thức thể hiện) thu hút sự chú ý ngày càng lớn của độc giả: gợi nhắc những hoài niệm với lớp người trung, cao tuổi và “kéo” người trẻ đến gần hơn với những câu chuyện của một thời đã xa hay khám phá không khí Tết đến Xuân về trên những miền đất lạ…
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho biết từ cuối thập niên 1920s, việc mua, đọc và lưu giữ sách Tết đã trở thành một thú vui tao nhã của người Việt. Cùng với hoa đào, câu đối, mâm ngũ quả, những cuốn sách Tết góp phần quan trọng tạo nên phong vị của Tết cổ truyền.
Tác phẩm đầu tiên thuộc dòng sách này là cuốn “Xem Tết” của Tân Dân Thư quán, xuất hiện vào năm Mậu Thìn (1928). Sau đó, nhiều đơn vị xuất bản khác cũng cho ra đời những cuốn sách Tết thú vị như “Chơi Xuân,” “Tết Nam kỳ,” “Một trời Xuân,” “Tết đời nay,” “Tuổi thơ Xuân”…
Một trong những cuốn sách Tết nổi bật nhất của giai đoạn này là “Mừng Tết mới-Xuân Kỷ Hợi” (1959), quy tụ nhiều cây bút và họa sỹ nổi tiếng đương thời (Tạ Lựu, Nguyễn Bích, Thy Thy Tống Ngọc…) với nhiều bài viết, tranh minh họa sinh động về thời kỳ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, phong trào thu gom sắt vụn, đúc lưỡi cày làm quà tặng Tết…
“Sách Tết thời kỳ này tập hợp những sáng tác ở hai thể loại (văn hài đàm và thơ), mang đến cho độc giả tiếng cười dí dỏm qua những câu chuyện khai thác chất liệu từ đời sống hay những giờ phút thư thái, trở về ký ức tuổi thơ, làm sống lại không khí đón Tết của một thời đã xa,” nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.
Tuy nhiên, từ sau năm 1960, do những điều kiện lịch sử, kinh tế…, dòng sách này ngày càng ít và vắng bóng mỗi dịp Tết đến Xuân về. Theo ông Bách, sách Tết xuất hiện ngắt quãng, không thành một dòng chảy liên tục như trước, ít ấn phẩm tạo được tiếng vang.
“Hơn nữa, đó không hẳn là những tuyển tập thơ, văn, họa… mang phong vị Tết như trước mà chủ yếu là những cuốn nói về phong tục, những nét sinh hoạt truyền thống như ‘Chú Tễu kể chuyện Tết Nguyên đán’ hay ‘Những ngày Tết ta’…,” nhà nghiên cứu nói.
HÀNH TRÌNH "HỒI SINH" SÁCH TẾT
Sau gần sáu thập kỷ vắng vòng, từ năm 2017, dòng sách Tết bắt đầu hành trình “hồi sinh” với “Sách Tết Đinh Dậu: Caro-Vui như Tết” (Công ty Sách Phương Nam) mang diện mạo khác biệt.
Sau đó, sách Tết liên tục tái xuất, được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức, nổi bật là “Sách Tết Kỷ Hợi” (Đông A Books), “Tết đoàn viên” (Alpha Books), “Sách Tết Canh Tý” (Đông A Books) hay “Nhâm nhi Tết” (Nhà xuất bản Kim Đồng)…
“Tôi cho rằng, đó thực sự là những giai phẩm Xuân để bạn đọc nhẩn nha, nghiền ngẫm, ngắm nghía và thưởng thức một cách chậm rãi,” nhà văn Trung Sỹ chia sẻ.
Theo nhà văn Trung Sỹ, điểm nổi bật của những ấn phẩm này là vừa có những bài viết gợi nhắc hoài niệm, giới thiệu những nét đẹp, phong tục cổ truyền vừa có những tác phẩm mang “hơi thở” đương đại, cập nhật những thông tin, vấn đề của đời sống hiện nay. Bởi vậy, khi đọc, độc giả sẽ vừa có những ngậm ngùi, bồi hồi nhớ về quá khứ vừa bừng lên những hy vọng vào tương lai.
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Thiều-Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng sách Tết chứa đựng khối tri thức phong phú, độc đáo về văn hóa, phong tục, ẩm thực, cách đối nhân xử thế của người Việt…
Ví dụ, “Tết đoàn viên” giống như lời tâm tình, thủ thỉ về giá trị của Tết, sự đoàn tụ, sum vầy. Sách cũng tập hợp nhiều bài viết tái hiện khung cảnh đón Tết ở nhiều miền quê qua góc nhìn, trải nghiệm của các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực: MC Thảo Vân, ca sỹ Thanh Duy, nhà văn Nguyễn Quang Thiều…
Trong khi đó, “Nhâm nhi Tết” kể những câu chuyện thú vị về một vị vua tuổi Tý nổi tiếng (vua Duy Tân), tái hiện không khí Tết tại chợ Cầu Đông (ở kinh thành Thăng Long xưa), giúp người đọc tìm hiểu về những trò chơi, dòng tranh dân gian truyền thống… Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đưa người đọc vào hành trình du Xuân đón Tết cùng các chiến sỹ ở Trường Sa, tìm hiểu về chuyện học vẽ của danh họa Van Gogh…
“Với sách Tết, hình thức được chăm chút rất kỹ lưỡng bởi nếu nội dung tốt nhưng hình thức không bắt mắt thì sẽ khó thu hút được độc giả. Những gam màu sáng, ấm, thể hiện sự tươi vui được sử dụng để góp phần tạo nên sắc Xuân cho trang sách,” bà Phùng Hà (đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng) cho biết.
Bên cạnh những truyện ngắn, tản văn, bài nghiên cứu… những cuốn sách Tết hiện nay đều in tranh của các họa sỹ hàng đầu như Thành Chương, Lê Trí Dũng, Nguyễn Hoàng Tường, Đặng Tiến…
“Đó không chỉ là tranh minh họa cho nội dung mà là những tác phẩm hội họa có thể đứng độc lập,” ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học nhận định.
Theo ông Nguyễn Quang Thiều, việc đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, chăm chút tỉ mỉ về hình thức cho thấy nỗ lực của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách trong nỗ lực “hồi sinh” và tính chuyện “đường dài” cho dòng sách này.
“Để tránh sự trùng lặp và thu hút được độc giả, các đơn vị xuất bản cần đổi mới liên tục, chọn chủ đề riêng cho mỗi lần ra mắt. Hơn nữa, việc cân bằng giữa yếu tố truyền thống và hiện đại với những câu chuyện về những nhân vật cụ thể, trải nghiệm của những nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cũng là phương diện cần lưu ý,” Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ./.
Theo Vietnam+