Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 28/10/2017 16:0'(GMT+7)

Biên chế hợp lý

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Dự kiến vào đầu tuần tới, Quốc hội sẽ nghe, thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Nói đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, nhiều người nghĩ ngay đến việc tinh giản biên chế. Điều này đúng, nhưng chưa đầy đủ. Đúng ở chỗ, tiến trình cải cách bộ máy Nhà nước đã được khởi động từ hơn 20 năm nay với mục tiêu quan trọng là tinh giản biên chế, nhưng trên thực tế, biên chế lại càng phình to ra. Thế nhưng, trong số những “biên chế phình to ra” ấy, bên cạnh những bộ phận vô lý, lại có những bộ phận rất cần thiết đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Xin đơn cử số lượng doanh nghiệp hiện nay so với hai chục năm trước của cả nước đã tăng gấp hàng trăm lần. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 902,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, khối lượng công việc mà công chức Nhà nước phải giải quyết cho việc đăng ký doanh nghiệp tăng lên rất nhanh, nếu không tăng biên chế, sẽ tăng thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, gây lãng phí cho xã hội và giảm niềm tin của doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước.
 
Sự gia tăng quy mô và tính phức tạp của nền kinh tế, mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và công dân, cũng sẽ gia tăng. Do đó, số lượng công chức nhằm thực hiện các dịch vụ hành chính công giữa Nhà nước-người dân, doanh nghiệp tăng thêm là xu thế hợp lý, vì thế biên chế tăng thêm ở khu vực này cũng là điều hợp lý. Trong khi đó ở rất nhiều lĩnh vực, tình trạng công chức, viên chức “ngồi chơi, xơi nước”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn đang diễn ra hằng ngày. Cán bộ, nhân viên ở trạm y tế phường là một ví dụ. Những đối tượng này, cần phải giảm.

Biên chế hợp lý là mong muốn chung của các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri. Tuy nhiên, để tổ chức biên chế hợp lý là điều không đơn giản. Về mặt lý thuyết, để tổ chức biên chế hợp lý, các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước cần phải xem xét lại việc biên chế của cơ quan mình để có thể tăng thêm biên chế ở bộ phận này, giảm biên chế ở bộ phận kia căn cứ vào nhiệm vụ thực tế của từng bộ phận. Điều quan trọng là phải xem xét lại cơ cấu tổ chức để tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, tăng tính chuyên nghiệp hóa và hiệu quả phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Trên bình diện quốc gia và từng địa phương có thể xem xét, sáp nhập một số cơ quan có cùng chức năng, nhiệm vụ.

Thủ tục hành chính phiền hà đang là một trong các nguyên nhân dẫn đến phình bộ máy và tổ chức biên chế. Bài học của Bộ Công Thương giảm 675 điều kiện kinh doanh trong thủ tục hành chính, chắc chắn sẽ giảm được biên chế và tinh gọn bộ máy đáng để nhiều bộ, ngành xem xét.

Thành quả lớn của hơn 30 năm đổi mới là chúng ta đã có một khu vực tư nhân năng động và đủ sức gánh vác những dịch vụ công mà trước đây vốn là trách nhiệm riêng của Nhà nước. Hãy rút gọn hoặc giải thể các đơn vị dịch vụ công mà các doanh nghiệp có thể đảm nhận được như: vệ sinh môi trường, giáo dục, khám chữa bệnh ở những nơi có điều kiện thuận lợi…

Bằng những giải pháp đó, chúng ta sẽ tổ chức được biên chế hợp lý ở các cơ quan hành chính Nhà nước và điều quan trọng là sẽ đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp./.

Đỗ Phú Thọ (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất